Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Campuchia sắp trình làng ôtô Angkor Ev 2015 "made in Cambodia"

Ô tô điện Angkor EV 2013 do công ty Heng Development Company có trụ sở tại Kandal (Campuchia) sản xuất và trình làng trước đây đã khiến cho thế giới phải trầm trồ, thán phục và không ít người phải "phát thèm" vì mong muốn sở hữu chiếc xe hơi vừa túi tiền mà vẫn đảm bảo sự sang trọng. Tiếp nối sự thành công đó, nhà sản xuất Heng Co., Ltd (Campuchia) tiếp tục “gây sốc” khi tuyên bố sắp trình làng Angkor EV 2015 với nhiều tính năng hiện đại hơn.
Theo thông tin từ nhà sản xuất, cũng như phiên bản trước đây, Angkor EV 2015 được điều khiển bằng điện thoại thông minh và thẻ căn cước tần số radio (RFID) có trang bị hệ thống GPS.
Nếu chiếc Angkor EV 2013, chỉ có thể đạt vận tốc tối đa 60km/h thì Angkor EV đời 2015 có thể đạt vận tốc 120km/giờ với mức giá không quá 10.000 USD tương đương 220 triệu đồng.
Hệ thống điều khiển tập trung ở phần trung tâm kết hợp với một màn hình điều khiển nhỏ gọn hiện đại.
Năm 2013, Campuchia đã từng khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi cho xuất xưởng chiếc Angkor EV 2013 với giá chỉ 5.000 USD đã khiến thế giới trầm trồ và không ít người "phát thèm" vì mong muốn sở hữu chiếc xe hơi vừa túi tiền mà vẫn đảm bảo sự sang trọng.
Không những thế, Angkor EV 2013 trước đây cũng đã được lắp đặt công nghệ quét dấu vân tay để mở cửa và sử dụng thẻ điện tử thay cho khóa để khởi động máy, một công nghệ hiện đại của ngành công nghiệp ô tô thế giới. Pin của ô tô điện Angkor EV 2013 có thể duy trì được khoảng 300 km cho mỗi lần sạc và tốc độ tối đa của nó là 60 km/giờ.
Tổng giám đốc công ty Heng Co., Ltd, bà Seang Chan Heng cho biết chiếc xe được sản xuất bởi nhà thiết kế địa phương Nhean Phalloek là một thành tựu lớn của một nền công nghiệp sản xuất ô tô còn non trẻ như Campuchia.
Angkor EV ban đầu được thiết 2 chỗ ngồi với cửa mở theo chiều dọc và ngoại hình có thể giống chiếc minivan Nissan Quest.
Theo nhà thiết kế Nhean Phalloek, ông rất lạc quan về ngành công nghiệp sản xuất ô tô của nước nhà. Ông cho biết việc mở cửa một nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô tại tỉnh Koh Kong là một tín hiệu tốt cho ngành sản xuất ô tô trong nước, do sẽ giảm bớt được việc đặt hàng và nhập khẩu các loại thành phần khác từ nước ngoài. Phụ tùng sản xuất tại Campuchia rẻ hơn và sẵn tại chỗ nên việc cung cấp sẽ cách nhanh chóng hơn.
Nhà sản xuất Heng Co., Ltd chưa công bố hình ảnh chính thức của chiếc Angkor Ev 2015. Dưới đây là Video clip cận cảnh ôtô phiên bản cũ là Angkor Ev 2013:

Theo Phnompenh Post và VietnamNet

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Thủ tướng Hun Sen sẽ tiếp tục làm thủ tướng Campuchia đến năm 2030?

Theo tạp chí Khmer Times cho biết, Thủ tướng Hun Sen - người đã điều hành đất nước Campuchia trong 30 năm qua, hôm 26-8 tuyên bố ông sẽ không còn nắm quyền vào năm 2030.
Trong buổi lễ phát động Chính sách Phát triển công nghiệp (IDP) tại thủ đô Phnom Penh, vị thủ tướng 63 tuổi phát biểu: “Đến năm 2030, tôi có thể chưa qua đời song sẽ không nắm giữ vị trí này nữa”.
Nguồn tin này cũng cho biết, thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh rằng IDP là cần thiết và cấp bách để thực hiện “chiến lược tăng trưởng mới" nhằm đáp ứng quá trình chuyển đổi cấu trúc của kinh tế trong nước, khu vực và toàn cầu. Theo ông, IDP sẽ góp phần giúp Campuchia đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia có thu nhập trên trung bình vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2050.
Sự tăng trưởng kinh tế của Campuchia phụ thuộc chủ yếu vào các lĩnh vực truyền thống như may mặc, du lịch, xây dựng và nông nghiệp. "Hầu hết các các hoạt động sản xuất vẫn dựa trên quy mô gia đình với trình độ công nghệ thấp. Do đó, chưa có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế" - thủ tướng nói.
Campuchia tổ chức tổng tuyển cử 5 năm một lần. Trong cuộc bầu cử gần đây nhất vào năm 2013, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen đã giành chiến thắng với 68 ghế trong quốc hội so với 55 ghế của Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập do ông Sam Rainsy dẫn dắt. Hồi cuối tháng 4.2015, thủ tướng Hun Sen cũng tuyên bố sẽ tái ứng cử một nhiệm kỳ nữa vào năm 2018 và tự tin sẽ giành chiến thắng để duy trì đất nước Campuchia trong tình trạng ổn định.
Nguồn: Khmer Times, Chianview và NgườiLaoĐộng

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Dàn nhạc Ngũ âm - tinh hoa của nền âm nhạc cổ truyền Khmer

Nói đến nhạc cổ điển Khmer là phải nói đến dàn nhạc ngũ âm nổi tiếng. Bởi đây là tinh hoa của một nền âm nhạc có truyền thống lâu đời, gắn bó với người Khmer trong hầu hết các lễ hội lớn nhỏ ở các chùa chiền, trong phum sóc, trong vùng mà người Khmer sinh sống.
Bố trí dàn nhạc ngũ âm (ảnh: Thiện Vĩnh)
Pleng PinPeat (ភ្លេង ពិណពាទ្យ) tiếng Việt gọi là “Nhạc ngũ âm”, là dàn nhạc đã có từ rất xa xưa, được thiết kế rất tinh sảo bởi các nghệ nhân người Khmer. “Ngũ âm” là 5 loại chất liệu tạo thành âm thanh của dàn nhạc và trong biến chế chính thức, dàn nhạc có 07 nhạc cụ (không được phép thêm hay bớt bất cứ một loại nhạc cụ nào) gồm:
Hai dàn cồng Kong Thum và Kong Touch (គងធំនិងគងតូច)được làm bằng chất liệu đồng, mỗi cái gồm có 16 cái cồng nhỏ có núm, được kết lại với nhau tạo thành vòng có hình bán nguyệt. Khi diễn tấu, nhạc công sẽ ngồi trong vòng cong đó, dùng 2 dùi để gõ. Tùy theo độ lớn, nhỏ, dày, mỏng của từng quả mà phát ra âm thanh khác nhau.
Chất liệu gỗ gồm các nhạc cụ là Rouneat Ek (រនាតឣែក - đàn thuyền): là nhạc khí gồm có 26 thanh gỗ hoặc bằng tre hình chữ nhật, dài khoảng 20cm, rộng chừng 5cm, được ghép lại với nhau thành một xâu dài. Hai đầu được máng vào một thùng gỗ có hình thức như chiếc thuyền nhỏ, chỉ có một chân đỡ. Khi sử dụng, nhạc công dùng hai cây dùi gỗ gõ nhẹ trên các thanh tre để tạo ra âm thanh.
Nhạc cụ Rouneat Thum (រនាតធុំ) là loại nhạc cụ có âm trầm được cấu tạo như Rouneat Ek, nhưng chỉ có 16 thanh và giá đỡ có 4 chân. Khi sử dụng, nhạc công cũng dùng 2 dùi như Rouneat Ek..
Nhạc cụ Rouneat Daek (រនាតដែក) được làm từ chất liệu sắt, gồm 26 thanh ghép lại.
Trống Sampour (ស្គសម្ពូរ) có 02 mặt được bịt bằng da bò, khi diễn tấu, nhạc công dùng 02 tay vỗ vào mặt trống để tạo âm thanh và 02 trống lớn gọi là Sko Thum (ស្គធុំ)được bịt bằng da trâu và đặt cạnh nhau, một cái âm trầm, cái còn lại là âm bổng.
Cuối cùng là kèn thổi hơi Srolay là loại kèn được làm bằng tre, ống kèn bằng loại gỗ quý. Có 2 loại kèn nhỏ gọi là Srolay Touch và kèn lớn gọi là Srolay Thum. Khi sử dụng, người ta đặt dàn kèn thẳng đứng, cắt ngang với lưỡi để tạo ra âm thanh.
Trong dàn nhạc ngũ âm, nhạc cụ Rouneat Ek (រនាតឣែក - đàn thuyền) được xem là loại nhạc cụ chủ đạo, nó còn có vai trò dồn bè. Pleng PinPeat (ភ្លេង ពិណពាទ្យ) là dàn nhạc cổ đạt đến mức độ hoàn chỉnh và ổn định nhất về âm thanh. Ngoài ra, dàn nhạc này còn phối hợp hài hoà với các nhạc cụ khác như đàn cò, đàn Aday hoặc có thể tách ra thành những nhạc cụ riêng lẻ để dễ thực hiện cho các điệu múa Jhayam, Romvong, Duke,...
Mỗi loại nhạc cụ của dàn nhạc Ngũ âm được định âm một cách chính xác, đảm bảo yếu tố hòa âm cho cả dàn nhạc để khi hòa tấu tạo ra một âm thanh rất độc đáo, từ rất trầm đến cao vút, ngọt ngào, sâu lắng đi vào lòng người. Đa số các nhạc cụ của dàn nhạc ngũ âm đều được diễn tấu bằng cách dùng jhing (đọc là chhưng hay chập chọe) dùng để gõ nhịp, trong đó, trống Sampour được đánh bằng hai tay, còn trống lớn đánh bằng dùi, kèn thổi hơi…. Trong các nhạc cụ của dàn nhạc Ngũ Âm, Rouneat Ek được xem là loại nhạc cụ chủ đạo và nó có vai trò dồn bè. Hiện nay, trong dàn nhạc ngũ âm có thể thiếu một vài món, nhưng bắt buộc phải có cặp đàn Rouneat Ek, Rouneat Thum, Kong touch, Kong Thum và cặp trống lớn thì mới hội đủ điều kiện diễn tấu.
Dàn nhạc Ngũ âm của người Khmer đã có từ rất lâu đời, được sử dụng trong hầu hết các ngày lễ hội tại chùa hay tại gia như: Lễ Cầu Phước, Lễ Dâng Bông, Đám cưới, và cả đám tang... Vào những ngày lễ hội, hầu như bà con thức suốt đêm để vui chơi trong điệu Romvong (រាំវង់) hân hoan, rộn rã trong tiếng nhạc ngũ âm trầm trầm vang vang như làm các nhịp múa càng thêm hăng say. Xuất phát từ nhu cầu cuộc sống xã hội và phát triển du lịch, ngày nay nhạc ngũ âm đã được mở rộng phạm vi hoạt động trong các cuộc liên hoan mừng công và trình diễn trong các Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào Khmer…. Đặc biệt còn hòa tấu với các nhạc cụ khác như đàn gáo, đàn cò, đàn sến… tạo thành những âm thanh rất hấp dẫn, thu hút người nghe.
Dàn nhạc Ngũ âm là di sản quý báu, là biểu tượng của sự vui tươi, sung túc, ấm no,… thể hiện nét đẹp văn hóa, nghệ thuật giàu tính truyền thống và là biểu tượng không gian văn hóa sinh động, là linh hồn trong đời sống văn hóa của dân tộc Khmer.
Theo Trung tâm TTXTDL tỉnh Sóc Trăng
Bài viết có chỉnh sửa đôi chút để phù hợp với tất cả bạn đọc

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Đền Bayon - Kiệt tác văn hóa và biểu tượng lịch sử thời hoàng kim của đế quốc Khmer

Thế kỷ 12 thường được nhắc đến như một thời kỳ suy thoái ở Châu Âu. Nhưng tại Đông Nam Á khi đó, đế quốc Khmer đang tận hưởng thời đại hoàng kim của mình.
Hầu hết, các vị vua của đế quốc Khmer đều thực hiện những cuộc chiến tranh để bảo vệ và mở rộng lãnh thổ đến hầu khắp khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, sự giàu có và trù phú đã cho phép các vị vua Khmer xây dựng nhiều công trình đền thờ để biểu thị tín ngưỡng trên khắp mảnh đất của họ. Nổi tiếng nhất trong đó có lẽ là Angkor Wat, di chỉ tín ngưỡng lớn nhất trên thế giới. Tuy vậy, những đền thờ Khmer khác cũng xứng đáng được đề cập, và một trong số đó là đền Bayon.
Tảng đá mặt người đồ sộ tại đền Bayon, Campuchia. (Ảnh: BigStockPhoto)
Đền Bayon được xây dựng vào cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII dưới sự giám sát của vua Jayavarman VII, một trong những vị vua vĩ đại nhất của Đế quốc Khmer. Bayon là đền thờ quốc gia của Angkor Thom, kinh đô mới của vua Jayavarman VII. Đóng vai trò là trung tâm Phật giáo tại Đế quốc Khmer, đền Bayon được đặt tại trung tâm thành phố Angkor Thom.
Bayon không giống các ngôi đền khác được người Khmer xây dựng, điểm đặc thù của đền nằm ở chỗ: đây là đền thờ quốc gia duy nhất thuộc trường phái Phật giáo Đại Thừa (các nước Đông Nam Á chủ yếu theo trường phái Tiểu Thừa). Sau khi vua Jayavarman VII băng hà, đền Bayon dần dần bị thay đổi theo tín ngưỡng tôn giáo của những vị vua kế tục, vậy nên đền thờ cũng có thêm nhiều yếu tố của Brahman giáo và Phật giáo Theravada vốn không nằm trong kế hoạch xây dựng lúc ban đầu.
Gương mặt an tĩnh của các bức tượng Phật bằng đá tạc trên rất nhiều tòa tháp tại đền Bayon (Ảnh: Wikimedia, CC)
Trong số những đặc điểm nguyên gốc của đền Bayon, có lẽ điểm nổi bật nhất chính là 200 khuôn mặt đá khổng lồ. Những khuôn mặt này được mệnh danh là ‘Mona Lisa của Đông Nam Á’, với tổng cộng 4 loại, mỗi loại lại có nét đặc thù riêng chỉ sang bốn hướng chính Đông Tây Nam Bắc.
Đền Bayon có 54 tháp lớn nhỏ (54 tòa tháp thể hiện 54 tỉnh của Campuchia ở thời đó), cấu trúc thành ba tầng, trên mỗi tháp đều có điêu khắc bốn khuôn mặt khổng lồ với nụ cười bí ẩn quay về bốn hướng, tượng trưng cho sự hiện hữu ở khắp mọi nơi của người mà khuôn mặt ấy mô tả. Theo một số học giả, các bức tượng miêu tả khuôn mặt của Bồ tát Quán Thế Âm (Preah Lokesvara ). Nhận định này dựa theo các đường nét khuôn mặt, đặc biệt là mắt khép kín và nụ cười bí ẩn, mà đại diện cho các thành tựu của sự Giác Ngộ.
Tuy nhiên, nhiều học giả khác đã lập luận rằng những khuôn mặt ấy khắc họa chính khuôn mặt của đức vua Jayavarman VII, vì có một điểm tương đồng kỳ lạ với các bức chân dung của nhà vua. Những bức tượng này cũng có thể đồng thời mang hàm ý miêu tả Bồ tát Quán Thế Âm và vua Jayavarman, với dụng ý rằng nhà vua có các đặc điểm của một vị Bồ tát.
Các học giả cho rằng Vua Jayavarman VII có nét tương đồng rõ rệt với những gương mặt trên các tòa tháp ở đền Bayon. (Ảnh: Wikimedia)
Không kém phần thú vị là các bức chạm nổi trên tường xung quanh ngôi đền. Trên bức tường bên ngoài, có những khung cảnh trong lịch sử và cuộc sống hàng ngày ở đế quốc Khmer.
Có rất nhiều bức chạm nổi miêu tả cảnh tượng quân Khmer chiến đấu với các dân tộc láng giềng, tộc người Chăm. Có lẽ những cảnh tượng này muốn nhấn mạnh việc bại trận của quân Khmer trước người Chăm, và việc đòi lại chủ quyền vùng đất của người Khmer từ tay quân xâm lược dưới sự chỉ huy của vua Jayavarman VII. Mặc dù rất nhiều bức chạm khắc trên hành lang bên ngoài có liên quan đến chiến tranh, nhưng cũng có những cảnh miêu tả cuộc sống gia đình và dân sự trong Đế quốc Khmer.
Ngược lại, các bức chạm nổi trên dãy tường hành lang bên trong miêu tả những vị thần trong Brahman giáo, bao gồm Preah Brahma, Preah Vishnu và Preah Shiva, cũng như các cảnh tượng trong thần thoại Brahman giáo, như truyền thuyết ‘Khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh’ chẳng hạn. Tuy nhiên bức chạm nổi này không được tạo bởi nhà vua Jayavarman VII, mà là do vua Jayavarman VIII - một trong những vị vua kế tục, thực hiện. Tính tổng cộng, có hơn 11.000 bức chạm khắc trên chiều dài 1,2 km tường.
Ngày nay, đền Bayon là một phần của Công viên Khảo cổ Angkor và là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Cùng với các ngôi đền khác trong công viên, bao gồm đền Angkor Wat nổi tiếng, đền Preah Khan và Ta Prohm, đền Bayon cung cấp một cái nhìn đặc biệt vào nền văn minh huy hoàng và lịch sử tôn giáo, chính trị và văn hóa của người Khmer nói chung.
Tác giả: Ḏḥwty, dịch bởi Kim Sothia (Đã lược bỏ những đoạn không quan trọng)
Nguồn: Ancient Origins (nội dung bằng tiếng Anh)

Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

Nguồn gốc của Lễ bái và nghi thức vái lạy 3 lần

Vái lạy hay Lễ bái, người Khmer gọi là Thvay Bongkoum (ថ្វាយបង្គំ), là nghi thức rất cơ bản trong dân gian Khmer, mang ý nghĩa bày tỏ lòng biết ơn và sự tôn kính đến chư Phật, bậc sinh thành hay đấng thần linh... Nhưng có lẻ rất nhiều người trong chúng ta vẫn chưa hiểu rõ nguồn gốc của việc vái lạy, và tại sao chúng lại vái ba lạy mà không vái hai lạy, bốn lạy hay năm lạy?
Trong giới hạn bài viết này, tôi xin giải thích về nguồn gốc của hành động vái lạy/lễ bái và lý do tại sao lại có nghi thức vái lạy 3 lần như hôm nay.
Tại xứ Khmer và Ấn Độ ngày xưa, dân chúng thường bày tỏ lòng tôn kính chân thành đến cha mẹ hay một vị đạo sư nào đó mà họ ngưỡng mộ bằng cách quỳ xuống sát đất, đặt trán mình lên chân của vị ấy. Hành động đó không phải là thần quyền, quan liêu hay đế quốc tinh thần mà đơn giản là một tục lệ cung kính cha mẹ và các bậc đạo sư đức cao vọng trọng trong xã hội ngày xưa. Và hành động thiêng liêng đó cũng chính là nguồn gốc của nghi thức Thvay Bongkoum (vái lạy) mà chúng ta biết như ngày nay.
Còn nghi thức vái lạy 3 lần? Có người cho rằng vái lạy 3 lần là tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và vị lai; cũng có người cho rằng, vái lạy 3 lần tượng trưng cho ba quả vị Phật: Thinh Văn Giác, Duyên Giác và Chánh Đẳng Chánh Giác, v.v. Lại có người cho rằng, vái lạy 3 lần chính là lễ lạy ba ngôi báu tức Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng.
Tất cả những câu trả lời này đều không sai nhưng không phải là nguồn gốc của nghi thức này.
Trước khi Phật Giáo ra đời, các dân tộc vùng Nam Á (trong đó người Ấn và người Khmer) chủ yếu đều theo Hindu Giáo, trong tôn giáo này dân chúng rất tôn sùng ba vị thần tối cao là Preah Vishnu cùng với Preah Brahma và Preah Shiva mà người Khmer chúng ta gọi chung ba vị là Trimurti (ត្រីមុរតិ - nghĩa là Tam vị). Vậy nên nghi thức vái 3 lạy bắt nguồn từ việc dân chúng vái lễ 3 vị thần này - một lạy tượng trưng cho Preah Vishnu, lạy thứ hai tượng trưng cho Preah Brahma và lạy thứ ba tượng trưng cho Preah Shiva. Nghi thức này được phổ biến trong dân gian từ hàng chục ngàn năm trước - trước khi Phật giáo ra đời rất lâu.
Trimurti (ត្រីមុរតិ ) - Ba vị thần tối cao trong Hindu giáo
Thời đức Phật còn tại thế, mỗi lần chư tăng và dân chúng nghe pháp hay muốn thưa thỉnh việc gì, họ thường chắp tay vái ba lạy rồi thưa hỏi hay ngồi nghe Phật giảng pháp. Đức Phật mặc nhiên chấp nhận cung cách này như là một tục lệ có từ lâu đời của xã hội Ấn Độ. Sâu hơn nữa, đức Phật muốn hoán cải tục lệ ấy thành một trong những bước đầu tu tập của các hàng đệ tử. Tuy vậy Ngài cũng không đặt thành nghi thức lễ lạy mà để tùy tâm các đệ tử.
Như vậy, Phật giáo đã tiếp nhận từ Hindu giáo. Trong quá trình truyền bá đạo Phật ra thế giới, nghi thức này đã du nhập vào các nền văn hóa khác nhau. Và mỗi nền văn hóa đều muốn hợp thức hóa nghi thức này, cũng như nhiều tín đồ Phật giáo không muốn thừa nhận "nghi thức thiêng liêng" như vậy lại bắt nguồn từ một tôn giáo khác nên cố gắng đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau.
* Bài viết dựa vào sự hiểu biết cá nhân, chắc chắn sẽ có rất nhiều thiếu xót, mong bạn đọc có sự hiểu biết về văn hóa Khmer góp ý bổ sung trong mục bình luận/comment. Cám ơn bạn đã quan tâm đến bài viết này.

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Tên gọi và ý nghĩa 7 ngày trong tuần của người Khmer

Trong văn hóa của người Việt, các ngày trong tuần không có tên gọi cụ thể, thay vào đó người Việt đặt tên theo thứ tự như thứ hai, thứ ba, thứ tư…riêng ngày chúa nhật (chủ nhật) xuất phát từ “Lord’s day” mà ra.
Khác với cách gọi tên theo thứ tự trong tiếng Việt, các ngày trong tuần (từ chủ nhật đến thứ bảy) trong văn hóa Khmer có tên gọi và ý nghĩa rất rõ ràng. Trong văn hóa Khmer, các tên gọi: Thngai Atitt, Thngai Chand, Thngai Angkear…là xuất phát từ quan niệm của người Khmer cổ, có liên đến hiểu biết của các nhà khoa học Khmer thời ấy về thiên văn và vũ trụ.
Mặc dù khoa học hiện đại cho rằng, thái dương hệ có đến 9 hành tinh, nhưng khoa học cổ đại chỉ chọn ra 7 hành tinh (ngoài trái đất) trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến cuộc sống của con người trên trái đất, đó là: Mặt trời (Preah Atitt), Mặt Trăng (Chand) và 5 ngôi sao tượng trưng cho Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Được biết 7 ngày trong tuần của người Khmer xuất phát từ quan niệm này, đó là: thngay Arthit (ngày mặt trời) ứng với ngày Chủ Nhật; thngay Chhan (ngày Mặt trăng) ứng với Thứ Hai, thngay Angkear (ngày Sao Hỏa) - Thứ Ba, thngay Puth (ngày Sao Thủy) - Thứ Tư, thngay Proheas (ngày Sao Mộc) - Thứ Năm, thngay Sok (ngày Sao Kim) - Thứ Sáu và thngay Sao (Sao Thổ) - Thứ Bảy.
1. Chủ nhật – Thngai Atitt (ថ្ងៃអាទិត្យ):
Trong tiếng Khmer, thngai Atitt có ý nghĩa là ngày của Mặt Trời. Trong tiếng Khmer Cổ, người ta gọi đầu tiên của tuần là Thngai Preah Atitt (từ Preah nghĩa là thần, Atitt nghĩa là Mặt Trời).
2. Thứ hai – Thngai Chand (ថ្ងៃចន្ទ):
Người Khmer gọi ngày thứ hai trong tuần là Thngai Preah Chand có nghĩa là “Ngày thần mặt trăng”, về sau chúng ta gọi ngắn gọn hơn là Thngai Chand.
3. Thứ ba – Thngai Angkear (ថ្ងៃអង្គារ):
Tinh tú thứ 3 trong thái dương hệ mà người Khmer cổ biết đến đó là Sao Hỏa. Nên họ đặt tên cho ngày thứ 3 trong tuần là Thngai Angkear, có nghĩa là “ngày của sao hỏa”.
Theo các nhà chiêm tinh Khmer cổ, Thngai Angkear là ngày đại hung, nên các việc trọng đại trong đời như tổ chức cưới hỏi, xây cất nhà cửa, đi đường xa hay thậm chí là an táng người quá cố…người Khmer thường sẽ tránh tổ chức vào ngày này.
4. Thứ tư – Thngai Puth (ថ្ងៃពុធ):
Một số người nghe tiếng Thngai Puth nhầm tưởng đây là ngày của đức Phật, vì phát âm từ ពុធ (Puth) với từ ពុទ្ធ (Bhut) giống nhau.
Thực ra, Thngai Puth không phải là ngày đức Phật mà là “ngày của sao thủy” – là tinh tú thứ tư trong thái dương hệ mà người Khmer cổ biết đến.
5. Thứ năm – Thngai Prohos (ថ្ងៃព្រហស្បតិ៍):
Tinh tú ứng với ngày thứ năm trong tuần là sao mộc, nên người Khmer cổ gọi ngày thứ năm trong tuần là ថ្ងៃព្រហស្បតិ៍ (Thngai Prohasbat/Prohos) có nghĩa là “ngày của sao mộc”.
6. Thứ sáu – Thngai Sok (ថ្ងៃសុក្រ):
Người Khmer xem ngày thứ sáu trong tuần là “ngày bình an”, Sok có nghĩa là bình an, thngai sok có nghĩa là ngày bình an. Thngai Sok cũng có nghĩa là “ngày của sao kim”,bởi tinh tú ứng với ngày này là sao kim.
7. Thứ bảy – Thngay Saw (ថ្ងៃសៅរ៍):
Ngày cuối cùng trong tuần là gọi là Thngai Saw, có nghĩa là “ngày của sao thổ”.
Bài viết dựa vào sự hiểu biết cá nhân, chắc chắn sẽ có rất nhiều thiếu xót, mong bạn đọc có sự hiểu biết về văn hóa Khmer góp ý bổ sung trong mục bình luận/comment. Cám ơn bạn đã quan tâm đến bài viết này.

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Sự Tích Nàng Visakha và lễ nhập Hạ trong Phật Giáo Khmer

Nàng Visakha là mẫu người phụ nữ đặc trưng trong văn hóa Phật giáo Khmer, nàng là ước mơ của sắc đẹp của tuồi trẻ, của đức hạnh mà người Khmer nói chung và phụ nữ Khmer nói riêng đều ngưỡng mộ, tôn sùng. Họ coi nàng như vị thánh nữ, và luôn noi theo tấm gương của nàng về mặt đạo đức, như thực hiện bổn phận của một tín đồ Phật giáo là làm phước và cúng dường cho các vị tu sĩ mà thôi.
Sự tích của nàng không ai không biết đến, cuộc đời của nàng được kể như sau:
Nàng Visakha
Ngày xưa, tại xứ Savathey có một gia đình giàu có, tên là Mikeara sinh được môt đứa con trai đặt tên là Komar. Komar lớn lên thông minh, đĩnh đạc, trông rất phúc hậu. Đến tuổi trưởng thành, bao nhiêu người thân thuộc trong gia đình đều khen ngợi và thúc giục lấy vợ. Chàng vẫn ngần ngừ, rồi một hôm chàng nói với cha là nếu không tìm được người con gái nào có đủ năm điểm tốt đẹp thì chàng quyết không lấy vợ. Người cha hỏi năm điều tốt ấy là những điều gì, chàng đáp:
1. Tóc nàng phải đen, dài tới gót chân và cong như đuôi của con công.
2. Răng phải trắng như ngà voi, đều đặn như hạt kim cương Akvivaria.
3. Da thịt nàng phải mịn màng và mềm mại như trái Pim-Pak.
4. Khi nhìn, da nàng phải ửng một màu trắng hồng như hoa sen và vẻ hồng như pha trộn bằng năm màu khác nhau.
5. Sắc đẹp nàng phải bền vững, dù bao nhiêu tuổi vẫn còn trẻ như hồi còn con gái, không có thể phân biệt được.
Biết được ý của con, cha chàng đã tuyển chọn những người giỏi về tướng số nhất trong vùng để giúp việc đi tìm kiếm người đẹp có đủ năm điều kiện như trên.
Tám ông thầy giỏi tướng số đã được giao trọng trách lên đường, mang theo nhiều vàng bạc, ngọc ngà, châu báu. Đã đi nhiều xứ mà vẫn chưa tìm ra người đẹp, tám ông tỏ ra chán nản, muốn bỏ cuộc. Nhưng một ông có ý kiến: “ tôi nghe tại xứ Sa kết có mở hội ca nhạc, chắc sẽ có nhiều thiếu nữ tham dự, chúng ta thử đến đó xem”. Ý kiến này được mọi người đồng ý.
Các thầy đi đến gần nơi mở hội ca nhạc thì gặp năm trăm cô gái đang tắm dưới sông. Đứng xem các cô gái tắm, tám ông chú ý đến một cô tên là Visakha. Nàng có mái tóc dài tới gót và cong như đuôi con công. Nhìn đến da thịt của nàng, các ông thầy càng mừng, và khi thấy nàng cười thì các ông đều quả quyết rằng đây chính là cô gái mà chàng Komar kén chọn.
Khi tìm hiểu thêm, các ông mới biết nàng Visakha đã sống một trăm tuổi. Nàng sinh ra cùng với thời đại của đức Phật Thích Ca. Một hôm, các ông ngồi nghe đức Phật thuyết pháp cho các cô gái. Nhân lúc thuyết pháp xong Đức Ananda mới hỏi Phật rằng:
- Bạch Đức thế tôn, con nghe nàng Visakha trong nhóm thiếu nữ này nhưng không biết là ai, xin ngài chỉ.
- Phật nói: Nàng ở trong tín đồ này, con chú ý xem khi mọi người đứng dậy mà cô nào phải chống hai tay lên đầu gối mới đứng lên nổi, thì đó chính là nàng Visakha.
Khi ấy bổng có trận mưa rào, tất cả mọi người đều tíu tít chạy vô chùa trú mưa, chỉ có nàng Visakha thì đi thủng thỉnh như không có gì xảy ra.
Lúc ấy tám nhà tướng số vội đến hỏi nàng tại sao không chạy, thì nàng đáp rằng:
-Người con gái không lúc nào nên chạy, vì chạy sẽ mất đi vẽ thanh tao, rủi ro mà rách quần áo thì càng thêm xấu xa.
Các ông thầy tỏ vẻ khâm phục, theo nàng vào nhà và lấy vòng hoa choàng vào cổ nàng, ngỏ ý cầu hôn nàng cho con trai ông nhà giàu Mikeara. Nàng Visakha cho người đánh xe rước tám ông mai về nhà trình diện với cha mẹ. Gia đình nàng giàu nhất xứ Sa Kết, cha nàng là phú hộ Thnanh cheay và mẹ nàng tên là Somania ở xứ Thattikyak. Cha mẹ nàng Visakha ưng thuận và định ngày làm đám hỏi. ngày diễn ra lễ hỏi, bên nhà trai đi năm trăm cổ xe chở phẩm vật qua nhà gái và lễ cưới được tiến hành sau đó. Toàn bộ chi phí bên nhà gái lo. Nhà gái sắm cho nàng Visakha một áo cưới dát vàng, kết ngọc trị giá chín tỉ bạc theo thời giá và phải may ba tháng mới xong. Lễ cưới kéo dài bốn tháng. Suốt trong bốn tháng, khách khứa được đãi ăn uống một cách no say.
Trong đêm cuối cùng ở nhà với cha mẹ, nàng Visakha được phụ thân dạy mười điều khi bước chân về nhà chồng.
1. “ Lửa ở ngoài đường đừng đem vào trong” nghĩa là đừng bao giờ đem những lời người ta nói xấu hoặc chỉ trích bố mẹ chồng về thuật lại cho bố mẹ chồng nghe.
2. “ Lửa trong đừng đem ra ngoài” nghĩa là đừng mang những lời chê bai, chỉ trích của cha mẹ chồng đối với cha mẹ mình về kể lại cha mẹ mình nghe, để tránh sự cãi vã, gây mất lòng xui gia.
3. “ Phải giữ gìn lửa cháy cận thận” nghĩa là không nên nản chí trong việc chăm sóc, quạt nồng ấm lạnh cha mẹ chồng và chồng.( Cha chồng và chồng được ví như lửa không cận thận có ngày bị phỏng tay).
4. “ Phải ăn uống đúng chỗ” nghĩa là an cho đúng lúc và ăn sao cho đẹp.
5. “ Phải ngủ cho đúng chỗ” nghĩa là phải biết ngủ và thức dậy vào giờ nào và phải giữ ý lúc ngủ ( ngủ đúng nơi dành cho mình).
6. “ Phải ngồi đúng chỗ” phải nhường chỗ cáo ráo và đẹp cho cha mẹ, biết nhường nhịn và lễ phép khi ngồi.
7. “ Chỉ nên cho vật gì cho kẻ nào mượn mà có trả lại”.
8. “ Kẻ nào mượn đồ mà không trả thì lần sau không cho mượn nữa”.
9. Đối với thân nhân, thì dù mượn đồ có trả hay không vẫn cứ nên cho mượn”.
10. “ Phải lễ bái các vị chư thần ở trong nhà” để tạo phước. Nàng vâng lời và cam kết thực hiện đúng những lời dạy bảo của thân phụ.
Lễ rước dâu được tổ chức rất long trọng. Ông phú hộ cho con vàng bạc, châu báu, đồ dùng trong nhà mỗi thứ năm trăm cổ xe có ba cô nữ tì ngồi. Một ngàn năm trăm cô có phận sự theo hầu nàng làm ba việc chủ yếu: tắm rửa, sửa sắc đẹp và nấu ăn. Tám ông thầy tướng số cũng theo nàng và sống gần nàng đề bảo vệ Visakha.
Nàng ở nhà chồng rất thuận thảo, vì nàng là người vợ hiền và dâu thảo. Nàng chỉ buồn là ông bố chồng cấm nàng không được đi lễ chùa, nghe Phật thuyết pháp, cúng dường tu sĩ, nhắc lời Phật dạy, vì ông bố chồng theo đạo A Chel, một đạo giáo lạ lùng của xứ Ấn Độ. Người theo đạo này suốt đời phải ở trần truồng, không cắt tóc, không cạo râu, phơi mình ngoài sương nắng gọi là để làm khô héo tann'ha (dục vọng). Mỗi người hành đạo chỉ giữ một lời nguyền: không cắt móng tay, móng chân, không xòe bàn tay, để một tay thẳng lên trời, ngồi chổm hổm.v.v...cho đến khi đắc đạo. Ông bố chồng thường rước các vị A Chel đến nhà đãi ăn uống và giới thiệu với con dâu với ý là mong nàng theo đạo này, nhưng nàng không nói với các ông A Chel và không chịu làm lễ.
Một hôm, ông đang ngồi ăn cơm thì thấy một nhà sư vào khuất thực, liền giả vờ không biết, thản nhiên như thường. Nàng Visakha thưa với nhà sư:
- Sư nên đi nhà khác vì ở đây cha tôi chỉ dùng thức ăn thừa, không có dư để dâng sư.
Cha chồng cho là nàng đã hỗn láo, nói ông ăn đồ thừa nên đuổi nàng về nhà cha mẹ. Tám ông thầy hay tin liền họp mặt lại để xét xử. Trước mặt cha chồng và tám ông thầy, nàng đã giải thích:
- Con nói cha ăn đồ thừa là ví kiếp trước cha có nhiều phước đức nên kiếp này được hưởng của thừa do kiếp trước tạo nên. Trong kiếp này con mong cha cũng làm phước đức để kiếp sau cha sẽ được hưởng sự sung sướng giàu sang.
Tám ông thầy còn nêu nhiều lý lẽ đúng đắn khiến cha chồng không thể bắt tội nàng dâu và phải rút lời tuyên bố đuổi nàng lại.
Cũng nhân dịp ấy, nàng xin phép cha chồng cho nàng được đi chùa, rước sư về nhà làm phước. Ông không thể từ chối, phải nhận lời.
Từ đó nàng thường mời Đức Thích Ca và năm trăm vị đệ tử đến nhà thuyết pháp và dùng cơm. Những lần như vậy đều có cha chồng ngồi nghe. Những lần đầu ông nghe nhưng không phục Đức Phật bằng mấy ông A Chel; nhưng nghe nhiều lần ông càng thấm sâu lời Phật dạy, rồi ông cho rằng những lời Phật dạy như bó đuốc soi sáng đường cho ông. Một hôm ông đã quỳ xuống chân Đức Phật xin được làm đệ tử. Ông còn nhận tội lội trước kia gây ra và cho đó là quãng đời tối tăm của ông. Từ nay ông coi nàng Visakha như là người đã dẫn dắt ông từ bóng tối ra ánh sáng.
Một hôm đến chùa nghe thuyết pháp, nàng cuộn áo cưới trao cho nữ tì giữ, khi về mời biết cô nữ tì bỏ quên trong chùa. Nàng biết những thứ bỏ quên trong chùa đều được thầy Ananda cất giữ. Chiếc áo cưới của nàng có hơi đàn ông khác, nàng đâu có dùng nữa nên nàng đã sai người đem bán áo cưới để lấy tiền dâng cúng vào chùa.
Nàng còn bỏ tiền ra mua đất và thuê người cất ngôi chùa gọi là Boppea Ream. Nàng mời Đức Thích Ca về ngự tại chùa này. Và hàng năm cứ đến mùa mưa, nhân dân làm ruộng, nàng mời tất cả các vị sư sãi trong vùng về ở tại chùa Boppea Ream ba tháng nghe thuyết pháp. Nàng bỏ tiền ra may áo cà sa và đồ dùng dâng các vị sư dùng trong ba tháng không ra khỏi chùa, gọi là ba tháng nhập hạ
Nàng sinh được hai mươi đứa con, mười trai và mười gái. Một trăm hai mươi năm sau, nàng có một một ngàn đứa con và cháu, chút, chít cũng là năm nàng tạ thế.
Ngày nay, các chùa người Khmer có ba tháng nhập hạ của các vị sư là bắt nguồn từ sự tích nàng Visakha là như vậy.
Theo NguoiKhmerTraVinh's blog

Bệnh viện Đa Khoa Minh Tâm (Minh Tam Hospital)

Bệnh viện đa khoa Minh Tâm tọa lạc tại số 36 Nguyễn Đáng, P.9, TP Trà Vinh . Đây là một bệnh viện ngoài công lập nổi tiếng tại Trà Vinh được...