Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Dàn nhạc Ngũ âm - tinh hoa của nền âm nhạc cổ truyền Khmer

Nói đến nhạc cổ điển Khmer là phải nói đến dàn nhạc ngũ âm nổi tiếng. Bởi đây là tinh hoa của một nền âm nhạc có truyền thống lâu đời, gắn bó với người Khmer trong hầu hết các lễ hội lớn nhỏ ở các chùa chiền, trong phum sóc, trong vùng mà người Khmer sinh sống.
Bố trí dàn nhạc ngũ âm (ảnh: Thiện Vĩnh)
Pleng PinPeat (ភ្លេង ពិណពាទ្យ) tiếng Việt gọi là “Nhạc ngũ âm”, là dàn nhạc đã có từ rất xa xưa, được thiết kế rất tinh sảo bởi các nghệ nhân người Khmer. “Ngũ âm” là 5 loại chất liệu tạo thành âm thanh của dàn nhạc và trong biến chế chính thức, dàn nhạc có 07 nhạc cụ (không được phép thêm hay bớt bất cứ một loại nhạc cụ nào) gồm:
Hai dàn cồng Kong Thum và Kong Touch (គងធំនិងគងតូច)được làm bằng chất liệu đồng, mỗi cái gồm có 16 cái cồng nhỏ có núm, được kết lại với nhau tạo thành vòng có hình bán nguyệt. Khi diễn tấu, nhạc công sẽ ngồi trong vòng cong đó, dùng 2 dùi để gõ. Tùy theo độ lớn, nhỏ, dày, mỏng của từng quả mà phát ra âm thanh khác nhau.
Chất liệu gỗ gồm các nhạc cụ là Rouneat Ek (រនាតឣែក - đàn thuyền): là nhạc khí gồm có 26 thanh gỗ hoặc bằng tre hình chữ nhật, dài khoảng 20cm, rộng chừng 5cm, được ghép lại với nhau thành một xâu dài. Hai đầu được máng vào một thùng gỗ có hình thức như chiếc thuyền nhỏ, chỉ có một chân đỡ. Khi sử dụng, nhạc công dùng hai cây dùi gỗ gõ nhẹ trên các thanh tre để tạo ra âm thanh.
Nhạc cụ Rouneat Thum (រនាតធុំ) là loại nhạc cụ có âm trầm được cấu tạo như Rouneat Ek, nhưng chỉ có 16 thanh và giá đỡ có 4 chân. Khi sử dụng, nhạc công cũng dùng 2 dùi như Rouneat Ek..
Nhạc cụ Rouneat Daek (រនាតដែក) được làm từ chất liệu sắt, gồm 26 thanh ghép lại.
Trống Sampour (ស្គសម្ពូរ) có 02 mặt được bịt bằng da bò, khi diễn tấu, nhạc công dùng 02 tay vỗ vào mặt trống để tạo âm thanh và 02 trống lớn gọi là Sko Thum (ស្គធុំ)được bịt bằng da trâu và đặt cạnh nhau, một cái âm trầm, cái còn lại là âm bổng.
Cuối cùng là kèn thổi hơi Srolay là loại kèn được làm bằng tre, ống kèn bằng loại gỗ quý. Có 2 loại kèn nhỏ gọi là Srolay Touch và kèn lớn gọi là Srolay Thum. Khi sử dụng, người ta đặt dàn kèn thẳng đứng, cắt ngang với lưỡi để tạo ra âm thanh.
Trong dàn nhạc ngũ âm, nhạc cụ Rouneat Ek (រនាតឣែក - đàn thuyền) được xem là loại nhạc cụ chủ đạo, nó còn có vai trò dồn bè. Pleng PinPeat (ភ្លេង ពិណពាទ្យ) là dàn nhạc cổ đạt đến mức độ hoàn chỉnh và ổn định nhất về âm thanh. Ngoài ra, dàn nhạc này còn phối hợp hài hoà với các nhạc cụ khác như đàn cò, đàn Aday hoặc có thể tách ra thành những nhạc cụ riêng lẻ để dễ thực hiện cho các điệu múa Jhayam, Romvong, Duke,...
Mỗi loại nhạc cụ của dàn nhạc Ngũ âm được định âm một cách chính xác, đảm bảo yếu tố hòa âm cho cả dàn nhạc để khi hòa tấu tạo ra một âm thanh rất độc đáo, từ rất trầm đến cao vút, ngọt ngào, sâu lắng đi vào lòng người. Đa số các nhạc cụ của dàn nhạc ngũ âm đều được diễn tấu bằng cách dùng jhing (đọc là chhưng hay chập chọe) dùng để gõ nhịp, trong đó, trống Sampour được đánh bằng hai tay, còn trống lớn đánh bằng dùi, kèn thổi hơi…. Trong các nhạc cụ của dàn nhạc Ngũ Âm, Rouneat Ek được xem là loại nhạc cụ chủ đạo và nó có vai trò dồn bè. Hiện nay, trong dàn nhạc ngũ âm có thể thiếu một vài món, nhưng bắt buộc phải có cặp đàn Rouneat Ek, Rouneat Thum, Kong touch, Kong Thum và cặp trống lớn thì mới hội đủ điều kiện diễn tấu.
Dàn nhạc Ngũ âm của người Khmer đã có từ rất lâu đời, được sử dụng trong hầu hết các ngày lễ hội tại chùa hay tại gia như: Lễ Cầu Phước, Lễ Dâng Bông, Đám cưới, và cả đám tang... Vào những ngày lễ hội, hầu như bà con thức suốt đêm để vui chơi trong điệu Romvong (រាំវង់) hân hoan, rộn rã trong tiếng nhạc ngũ âm trầm trầm vang vang như làm các nhịp múa càng thêm hăng say. Xuất phát từ nhu cầu cuộc sống xã hội và phát triển du lịch, ngày nay nhạc ngũ âm đã được mở rộng phạm vi hoạt động trong các cuộc liên hoan mừng công và trình diễn trong các Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào Khmer…. Đặc biệt còn hòa tấu với các nhạc cụ khác như đàn gáo, đàn cò, đàn sến… tạo thành những âm thanh rất hấp dẫn, thu hút người nghe.
Dàn nhạc Ngũ âm là di sản quý báu, là biểu tượng của sự vui tươi, sung túc, ấm no,… thể hiện nét đẹp văn hóa, nghệ thuật giàu tính truyền thống và là biểu tượng không gian văn hóa sinh động, là linh hồn trong đời sống văn hóa của dân tộc Khmer.
Theo Trung tâm TTXTDL tỉnh Sóc Trăng
Bài viết có chỉnh sửa đôi chút để phù hợp với tất cả bạn đọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bệnh viện Đa Khoa Minh Tâm (Minh Tam Hospital)

Bệnh viện đa khoa Minh Tâm tọa lạc tại số 36 Nguyễn Đáng, P.9, TP Trà Vinh . Đây là một bệnh viện ngoài công lập nổi tiếng tại Trà Vinh được...