Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Lược sử dân tộc Khmer

Theo sử liệu Trung Hoa cổ, vương quốc đầu tiên của bộ tộc nói tiếng Khmer thành lập vào khoảng thế kỷ thứ II trước Công nguyên, nhưng theo các nhà khảo cổ học phương Tây dựa vào bia ký khắc trên đá, vách thành đã được tìm thấy dưới lòng đất thì người Khmer lập quốc vào thế kỷ thứ I sau Công nguyên với sự ra đời của Vương quốc Phù Nam (Funan), được cho là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á, chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Hindu. Ngày nay, văn hóa, các phong tục truyền thống và cả ngôn ngữ của người Khmer hầu hết đều bắt nguồn từ giai đoạn này.

Tiếng Khmer là ngôn ngữ được sử dụng để giao tiếp và chữ Phạn (peasa Pali) được dùng để ghi chép trong thời kỳ đó. Tôn giáo trong giai đoạn đầu là Đạo Hindu, thống trị trong suốt thời gian dài trước khi Đạo Phật được phổ biến tại đây. Các chứng tích về sự giao thoa văn hóa và tôn giáo này ngày nay vẫn còn tồn tại rất nhiều tại những vùng đất mà người Khmer cổ đã từng sinh sống, thể hiện qua các công trình kiến trúc cổ, cách thức làm nông nghiệp của người dân và cả thông qua các trang phục truyền thống, cũng như nghi thức lễ hội.

Vương quốc Phù Nam khi đó nằm trên vùng đất mà ngày nay là các tỉnh phía nam Campuchia và Tây Nam Việt Nam, tồn tại trên 600 năm. Triều đại này dần suy sụp vào thế kỷ thứ 7 khi vị vua đời thứ 13 của Vương triều không còn chú tâm vào việc phát triển kinh tế và chính trị, sau đó bị một vương quốc Khmer mới nổi khác là Vương quốc Chân Lạp (Chenla) xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ. Nhân vật làm nên cuộc biến loạn và làm suy vong Vương quốc Phù Nam là vua Bhavavarman - vốn là một người thuộc Hoàng tộc của Phù Nam.

Chân Lạp lập quốc tại vị trí mà ngày nay nằm ở phía Bắc Campuchia và Nam Lào. [ Tên gọi Campuchia, xuất hiện vào khoảng thời gian đầu của triều đại này. Tên nước Kampuja được đặt theo tên của quốc tổ sáng lập nên triều đại Phù Nam. Theo truyền thuyết, một quý tộc Brahman Ấn Độ tên là Kaundinya (hiệu là Kampu) kết hôn với công nương Soma (một số tài liệu gọi là Mera) là con gái của vua Naga thuộc dòng giống rồng thiêng, là bá chủ cả một vương quốc rộng lớn trong khu vực Thái Bình Dương (tộc người Indonesia ngày nay). Từ họ đã sinh ra dân tộc Khmer, các vị vua Chân Lạp vì thế mà đặt tên chính thể của mình là Kampuja]

Sau năm 707, Chân Lạp có sự chia rẽ nội bộ, một lần nữa tộc người Khmer lại tách thành hai quốc gia là Thượng Chân Lạp và Thuỷ Chân Lạp. Thượng Chân Lạp chiếm cứ vùng rừng núi phía Bắc, còn Thủy Chân Lạp chiếm cứ vùng đồng bằng sông Mekong bao gồm các tỉnh phía Nam Campuchia và Miền Nam Việt Nam ngày nay. Đến năm 715, 2 nước Chân Lạp tiếp tục bị tách ra thành nhiều tiểu quốc khác.

Hình vẽ mô phỏng vua Suryavarman II thuyết triều trên phù điêu Angkor

Khoảng năm 802, vua Jayavarman II lên ngôi, thống nhất lại dân tộc, thiết lập nên Đế Quốc Khmer hùng mạnh nhất Đông Nam Á. Đế Quốc Khmer tồn tại khoảng 650 năm trên một lãnh thổ rộng lớn kéo dài từ lãnh thổ Myanmar ra tới Biển Đông và cả phần Nam Lào ngày nay. Chính các vua của Đế Quốc Khmer đã xây dựng vô số các đền tháp, cung điện mà ngày nay được xem là kỳ quan nhân tạo của nhân loại. Các công trình này được xây dựng trên khắp lãnh thổ của Đế quốc, mà Angkor Wat là thành tựu rực rỡ nhất.
Các vị vua được nhắc đến nhiều nhất trong thời kỳ này là: Jayavarman II, Indravarman I, Suryavarman II, Jayavarman VII. Bên cạnh các công trình kiến trúc hũng vĩ bậc nhất trên thế giới, các vị vua này còn là những chính trị gia kiệt xuất, đem lại sự phát triển vượt bậc cho nền văn minh nông nghiệp với các thành tựu như hàng loạt kênh tưới tiêu phức tạp, các hồ dự trữ nước và vô số hệ thống giao thông đường thủy đảm bảo việc vận chuyển lương thực. Nhiều hệ thống này vẫn còn được sử dụng cho đến ngày hôm nay.

Angkor là kinh đô của Đế chế, nơi tập trung bộ máy quyền lực, giáo dục, tôn giáo và thương mại. Các nhà khoa học Phương Tây lập luận rằng “Cố đô Angkor là thành phố lớn nhất thế giới trong thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp”, trải dài trên diên tích 1150 dặm vuông. Tuy nhiên, vào khoảng thế kỷ XIV, 2 trận siêu hạn hán kéo dài tổng cộng 50 năm và dịch bệnh lan tràn đã khiến Angkor hoàn toàn kiệt quệ. Sau đó, một cuộc binh biến đã xảy ra, Angkor bị xâm lược và cuối cùng hoàn toàn tan rã vào thế kỷ XV. Một trong những thành tựu sáng tạo vĩ đại nhất của loài người bị tàn phá nặng nề. Toàn bộ cư dân và sự hùng mạnh đáng tự hào trước đây trở nên bị lãng quên và dần bị rừng rậm che phủ và tàn phá.
Sau khi Angkor bị lãng quên, kinh đô Khmer dời về phía nam tại Long Vek, rồi Ou Đông, và cuối cùng là Phnom Penh. Sự tàn phá kinh đô Angkor hùng mạnh cũng gây ra một sự suy sụp, thay đổi trong tôn giáo, Đạo Phật Theravada dần dần thay thế đạo Hindu chiếm vị trí độc tôn và trở thành quốc giáo.

Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17, tộc người Khmer thường xuyên bị người Thái và người Việt xâm lấn. Luôn sống trong cảnh phải kháng cự với các thế lực ngoại bang, bị mất một phần lớn đất nước và dân số cho các nước trên. Người Khmer chỉ giữ được một phần nhỏ trung tâm đất nước là Campuchia ngày nay, nhưng cuối cùng Campuchia lại rơi vào ách thực dân của người Pháp. Năm 1863, vua Norodom ký Thỏa ước bảo hộ với nước Pháp, đặt Campuchia dưới sự cai trị của thực dân Pháp trong 90 năm sau đó. Sau khi vua Norodom băng hà vào năm 1904, một người trong hoàng tộc là Sisowath lên ngôi vua, tình hình Campuchia không có sự thay đổi nhiều. Tuy nhiên, ngai vàng sau đó lại quay trở lại với dòng chính thức của vua Norodom khi vua Norodom Sihanouk lên ngôi vào năm 1941, khi ngài mới 18 tuổi. Không lâu sau đó, chiến tranh Thế giới lần thứ II lan đến Campuchia khi quân Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương. Vua Sihanouk tận dụng thời cơ đưa đất nước thoát khỏi sự cai trị của ngoại bang.

Nhiều năm sau đó, ông vẫn luôn kiên trì với mục tiêu đó và thật sự đạt được thành công khi tuyên bố độc lập hoàn toàn vào năm 1953, chấm dứt 90 năm bị thực dân Pháp đô hộ. Năm 1959, vua Sihanouk thoái vị và trao lại ngôi vị quốc vương cho cha mình là vua Norodom Saramarith, và ngài trở thành Quốc trưởng trực tiếp điều hành chính phủ.

Trong gian đoạn từ 1950 đến 1970, Vương quốc Campuchia tự chủ và phát triển thịnh vượng, đạt được nhiều thành tựu về mọi mặt. Campuchia thời điểm đó còn được coi là "viên ngọc của Phương Đông". Không may là giai đoạn này lại chấm dứt qúa nhanh.
Chiến tranh leo thang tại Việt Nam, vùng biên giới Campuchia cũng trở thành mục tiên đánh phá của đế quốc Mỹ. Các diễn biến tiếp theo đã dẫn tới sự kiện ngày 18 tháng 3 năm 1970, tướng Lon Nol được sự hậu thuẫn của người Mỹ làm đảo chính lật đổ Quốc trưởng Sihanouk nhằm xoá bỏ chế độ quân chủ và tiến hành thể chế dân chủ. Campuchia lại rơi vào tình trạng chiến tranh ngay sau đó, cuộc chiến chủ yếu diễn ra giữa lực lượng của Lon Nol và Mặt trận kháng chiến cộng sản Khmer (lực lượng Khmer Đỏ) đứng dầu bởi PolPot.

Tướng Lon Nol thành lập nhà nước dân chủ theo mô hình Tây Âu và Mỹ, lấy tên nước là Cộng hòa Khmer, kiểm soát đất nước được hơn 5 năm, cuối cùng sụp đổ bởi Khmer Đỏ vào ngày 17 tháng 4 năm 1975.
Lịch sử hủy diệt lại lập lại một lần nữa: chỉ 3 giờ sau khi quân của Pol Pot tràn vào Phnom Penh, toàn bộ cư dân bị ép buộc di tản khỏi thành phố một thời thịnh vượng để biến nơi đây trở thành đổ nát hoang tàn. Sau cuộc di tản, Khmer Đỏ ép Hoàng thân Sihanouk trở về Phnom Penh để tiếp tục vị trí Quốc trưởng, nhưng thực tế là để giam lỏng ngài trong Hoàng cung như một sự che mắt công chúng. Khmer Đỏ bắt đầu thi hành chính sách cai trị khủng bố trên khắp Campuchia. Người dân bị ép buộc một cách tàn bạo để lao động trên những cánh đồng như những nô lệ, họ phải chịu cảnh lao động nặng nhọc, bị đánh đập và bỏ đói. Trong xã hội dưới thời Khmer Đỏ không tồn tại khái niệm bệnh viện và trường học, các giáo viên, bác sĩ, tu sĩ và giới trí thức bị đưa đi hành quyết một cách dã man, không cần bất cứ một lý do nào. Tiền tệ bị xóa bỏ, không kinh doanh, không thương mại. Mọi thứ đều trở thành bất hợp pháp và có thể là nguyên nhân để dẫn đến một cái chết bất cứ lúc nào. Tất cả người dân bị buộc sống tập trung trong các trại lao động trong suốt thời gian Khmer Đỏ cai trị, tổng số người chết vì bị tra tấn, bị bỏ đói, bị bệnh không được điều trị y tế hoặc bị hành quyết trong thời kỳ đó khoảng 2 triệu người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em vô tội.

Sau khi Chính phủ Công hòa nhân dân Campuchia cùng với Việt Nam lật đổ chế độ Khmer Đỏ vào ngày 7 tháng 1 năm 1979, Việt Nam tiếp tục đóng quận tại Campuchia đến năm 1989 thì rút quân.

Năm 1991, Hiệp định hòa bình Paris được ký kết, 22,000 quân gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc được gửi tới Campuchia. Tháng 5 năm 1993, Ủy ban chuyển giao quyền lực Liên hiệp quốc tại Campuchia (UNTAC – United Nations Transitional Authority of Cambodia) tổ chức cuộc tổng bầu cử tự do đầu tiên tại Campuchia. Người dân Khmer đã chọn chính thể quân chủ lập hiến cho đất nước mình với Hoàng thân Sihanouk trở thành vị vua của Vương quốc Campuchia.

Ngày nay, mặc dù dân tộc vẫn còn lưu lạc nhưng Vương quốc Campuchia đã trở lại với hình ảnh một nơi yên bình, đang nỗ lực hồi sinh sau biết bao đau thương biến cố...

Và các sự kiện tiếp theo…nhờ các bạn bổ sung nhé. Vui lòng để lại ý kiến đóng góp trong phần comment bên dưới.
-----------
Cám ơn các bạn đã kiên nhẫn đọc hết, trong một status dài thế này tất nhiên có những điều mình viết chưa hoàn toàn đúng, bài viết có nhiều thiếu sót, mong nhận được sự góp ý từ phía các bạn

Khổng Seyla tổng hợp

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

Chùa Ông Mẹt - ngôi chùa Khmer cổ giữa lòng Tp. Trà Vinh

Chùa Ông Mẹt hay Wat KomPong tọa lạc trong nội ô thành phố Trà Vinh thuộc khóm 2, phường 1, đây là một ngôi chùa độc đáo và nổi tiếng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 3 tháng 3 năm 2009.
Đây là một trong những ngôi chùa rất cổ ở Trà Vinh. Theo lời truyền kể thì chùa được tạo dựng đầu tiên vào năm 642 tại khu vực gần sân vận động tỉnh bây giờ. Đến khoảng năm 711, người dân di dời chùa về vị trí hiện nay.
Chùa có tên chính thức là Wat Bodhisalaraja, nhưng vì tên ấy khá dài dòng nên người dân Khmer thời ấy gọi tên chùa theo tên của vùng đất này, là Wat Kompong. Khoảng năm 1604, lần lượt người Hoa rồi người Việt di cư vào xứ này, trong quá trình cộng cư của ba dân tộc đã có sự giao lưu văn hóa với nhau, họ biết đến chùa và gọi tên chùa theo tên của vị trụ trị thời bấy giờ là Lokta Meas (sư ông Meas), nhưng vì họ không phát âm được từ Lokta Meas nên cứ gọi là chùa Ông Mẹt. Vậy nên, ngày nay chùa Kompong có đến 3 tên gọi khác nhau là vậy.
Cổng chính chùa Kompong
Về kiến trúc và điêu khắc, chùa Kompong có dạng kiến trúc khá đơn giản nhưng vững chắc, tạo hiệu quả công năng cao. Sự đơn giản hoá của kiến trúc được phối hợp với sự cầu kỳ, hoa mỹ của vô số những môtíp trang trí - điêu khắc đã tôn nhau tạo nên một tổng thể hài hoà và độc đáo, cho đến nay tuy có nhiều thay đổi nhưng vẫn giữ được giá trị về mặt kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật, bản sắc riêng mang nặng dấu ấn dân tộc Khmer.
Chánh điện chùa Kompong
Chánh điện được xây dựng lại vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, được xây trên nền cao tam cấp hình chữ nhật có hàng rào bao quanh. Cột, kèo, xiên, đòn tay, la phông... đều bằng gỗ quý sơn son thếp vàng và chạm khắc hoa văn hết sức công phu, sắc xảo với nhiều đề tài khác nhau. Trên vách thì vẽ các tranh phân kỳ sự tích Đức Phật, trên mái thì đấp hình tượng rồng rất độc đáo. Thư viện làm bằng gỗ theo kiểu nhà sàn đã trên 100 năm, các đầu xà cột bên trong cũng sơn son thếp vàng và chạm khắc hoa văn. Đặc biệt, gian giữa thư viện có bức bình phong gỗ là tác phẩm mỹ thuật độc đáo.
Đối với người Khmer Trà Vinh, chùa Kompong là trung tâm nghị sự của Phật giáo Khmer trong tỉnh, giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với dân tộc họ.
Ở đây, nghệ thuật kiến trúc – trang trí của ngôi chùa phần nào nói lên được tâm tư tình cảm, óc sáng tạo và năng khiếu thẩm mỹ người Khmer cổ. Vì vậy có thể nói, chùa Kompong là một sự điển hình, một sự độc đáo, một nét đẹp đặc thù tạo nên sự khác biệt cho thành phố Trà Vinh so với các thành phố khác ở Việt Nam.
* Bài viết dựa vào sự hiểu biết cá nhân, chắc chắn sẽ có rất nhiều thiếu xót, mong bạn đọc có sự hiểu biết về văn hóa Khmer góp ý bổ sung trong mục bình luận/comment. Cám ơn bạn đã quan tâm đến bài viết này.
Hình ảnh của Trà Vinh Today

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

Sơ lược về Vương quốc Phù Nam (Anachak Nokor Phnom)

Phù Nam là tên phiên âm tiếng Hán của từ "Phnom" có nghĩa là núi. Đây là một Quốc gia đầu tiên có nền chính trị - kinh tế hùng mạnh ở Đông Nam Á tồn tại trong khoảng thế kỷ I đến thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên.


Vương triều Phù Nam để lại cho chúng ta một nền Văn minh rực rỡ, mà theo như các nhà khảo cổ học thì văn hoá, tin ngưỡng truyền thống và ngôn ngữ của người Khmer ngày nay hầu hết đều được hình thành từ giai đoạn này.
Theo truyền thuyết thì ngày xưa có một vị hoàng tử xứ Intabatborei tên là Preah Thong (ព្រះថោង - một số truyền thuyết gọi người là Kaundinya), do mâu thuẫn trong hoàng tộc, bị vua cha xua đuổi, người ra đi với đoàn tùy tùng và những thần dân trung thành xuôi về hướng đông. Sau một cuộc hành trình đầy gian truân, thuyền của ngài đến được vùng đất Kok Thlok này. Bỗng nhiên, từ đâu đó trên biển cả xuất hiện một mỹ nhân dẫn theo một đoàn hải quân đến chặn thuyền của ngài lại. Mỹ nữ này là công nương Soma (Khmer gọi là Neang Neak - công chúa rồng), nàng là con gái của vua Naga thuộc dòng giống rồng thiêng. Trận thư hùng chưa kịp diễn ra thì vua Naga đã kịp thời ngăn chặn lại, sau đó 2 người nên duyên vợ chồng. Sau khi những thần dân của người ổn định trên vùng đất mới, theo tài liệu vẫn còn tranh cãi của ông Ros Chontranbut thì Preah Thong chính thức lên ngôi vua xứ Kok Thlok vào năm 277 Phật lịch (khoảng 2 thế kỷ trước tây lịch), và đổi tên nước thành Kampujathebtey, đặt tên cho dân tộc mình là Khmer.
Kinh đô trù phú của vương quốc được xây dựng tại thành Vyadhapura (nay thuộc huyện Ba Phnom - បាភ្នំ, tỉnh Prey Veng), sau đó dời đến Angkor Borei - ស្រុកអង្គរបុរី (nay là tỉnh Takeo) và cuối cùng là Kottinagar (hiện nay là thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, An Giang, VN). Xã hội Phù Nam cũng có kết cấu tổ chức như xã hội hiện đại ngày nay. Có bộ máy nắm quyền quản lý xã hội chặt chẽ với người đứng đầu là vua, kế đến là các hoàng thân, các lãnh chúa và giới tăng lữ.
Vào năm 245 sau Công nguyên sứ giả nhà Hán là Kang Tai đã mô tả là kinh đô Vyadhapura có thành vách bằng gạch kiên cố, có hệ thống kinh đào để thuyền bè có thể đi xuyên qua lãnh thổ. Ông cũng nói rằng vương quốc Phù Nam có thư viện với nhiều sách vở chữ Phạn, có luật lệ, hệ thống thu thuế, kinh tế nông nghiệp, luyện kim, hàng hải và thương mại đều rất phát triển. Cũng giống xã hội hiện đại, trong thời đại này cũng có đội ngũ những người làm khoa học, người dạy học mà chủ yếu là các thầy tu; cũng có người đi lính tham gia vào quân đội; cũng có người hoạt động nghệ thuật - văn nghệ phục vụ cho giới quan lại cung đình.
Kinh đô cuối cùng của vương quốc là Kottinagar (nay thuộc Óc-Eo), đây là một thương cảng trù phú có nhiều thương thuyền ghé lại, tấp nập từ đông sang tây, như Ðế quốc La Mã, Ấn Ðộ và Trung Hoa. Các thương gia tỏ ra rất thán phục nền văn minh và sự hùng cường của Phù Nam. Họ kể rằng giới quí tộc Phù Nam ăn mặc cầu kỳ diêm dúa, sống trong những cung điện nguy nga bật nhất, đất nước có rất nhiều châu báo vàng bạc quí giá.
Vương quốc sử dụng tiếng Khmer cổ và chữ Phạn trong công việc hành chính và thương mại. Trong vòng 300 năm sau ngày lập quốc, Phù Nam đã có một hạm đội chiến thuyền và quân lực hùng mạnh. Các vị vua ra sức mở rộng lãnh thổ, làm hùng mạnh quốc gia, chinh phục được hầu hết các dân tộc trong khu vực Đông Nam Á lục địa và kiểm soát đường hàng hải của các thương thuyền đến từ Trung Hoa và Ấn Ðộ. Chính hào quang cường thịnh và cách tổ chức hành chính của Phù Nam đã thành gương mẫu cho những nền văn minh sau này tại Đông Nam Á, đồng thời là chủ thể truyền bá Văn hoá Hindu đến những bộ tộc phiên thuộc dưới quyền kiểm soát của mình.
Phù Nam tồn tại khoảng 6 thế kỷ, trãi qua nhiều đời vua theo truyền thống cha truyền con nối. Những thần dân của Phù Nam xưa thuộc giống người Khmer và các dân tộc thuộc nhóm Môn-Khmer (các dân tộc miền núi ở CPC và VN). Họ theo đạo Hindu và Phật giáo. Vương quốc Phù Nam đạt đến sự cực thịnh dưới triều vua Jayavarman I (478-514). Nhưng đến năm 514, khi vua Jayavarman I băng hà, đất nước nhanh chóng suy yếu, một người con của vua Jayavarman I đã giết thái tử Gunavarman và lên ngôi vua lấy hiệu là Rudravaman. Đây là vị vua cuối cùng của vương triều Phù Nam. Chính sự cướp ngôi này dẫn đến việc vua Chân Lạp là Bhavavarman I -vốn một hoàng thân Phù Nam, là cháu của vua Jayavarman - đánh chiếm và xóa hẳn tên Phù Nam trên bản đồ, lập nên một triệu đại mới của dân tộc Khmer mà lịch sử Trung Hoa gọi là Zhenla (Chân Lạp).
Từ đó trở về sau, dân tộc Khmer cai tri xứ này theo niên hiệu các vị vua Chân Lạp. Ký ức về sự vĩ đại của Vương quốc Phù Nam đã trở thành cội nguồn cho niềm tự hào của các nhà cai trị Chân Lạp, họ cố gắng tiếp nối di sản lớn lao này để rồi phát triển đất nước thành Đế quốc Khmer tồn tại từ 802–1431 mà mình sẽ đề cập trong status khác.
Mặc dù các học giả Việt Nam cho rằng Phù nam và Chân Lạp là hai chính thể khác nhau, thế nhưng các học giả phương tây, đặc biệt là Pháp cương quyết cho rằng Phù Nam trong Văn hiến thông khảo của Mã Đoan cũng là Chân Lạp trong các tài liệu khác, và họ kết luận đó là hai tên gọi ở hai thời kì kể tiếp nhau của một dân tộc. Và từ lâu, người Khmer cũng luôn nhìn nhận Vương triều Phù Nam là tổ tiên của dân tộc mình, và xem đó là một phần Văn hiến đất nước Campuchia.
Lưu ý:
1. Về truyền thuyết lập quốc có nhiều phiên bản khác nhau nhưng cốt cùng một sự kiện, ở đây tôi chọn truyền thuyết mà bản thân tôi thấy phù hợp nhất.
2. Theo sử gia tuyền thuyết truyền miệng thì Preah Thong lên ngôi vào năm 277 Phật lịch (tức trước công nguyên khoảng 2 thế kỷ), còn theo một số nhà sử học Pháp thì Phù Nam lập quốc vào khoảng năm 68 sau tây lịch. Đây vẫn là điều mà các sử gia chưa thống nhất với nhau.

Con rồng trong văn hóa của người Khmer

Rồng là loài linh vật có hình thù gần giống với rắn. Người Khmer gọi là Neaka hay Neak (នាគ - Niệk) được phiên âm từ Naga trong tiếng Pali, nghĩa là thanh khiết. Rồng xuất hiện đầu tiên trong văn hóa Khmer từ hơn 2000 năm trước (trước cả sự ra đời của vương triều Phù Nam), dưới sự ảnh hưởng của văn hóa Hindu.

Neak (Naga) và Hanuman. Nguồn ảnh: Cambodia Expats Online

Rồng Khmer có xuất thân và hình ảnh khác biệt so với hình tượng rồng của các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa và phương Tây. Đối với Văn hoá Phương Tây, rồng được mô tả như một con khủng long tiền sử T-rex bay lượn với đôi cánh dơi, lặc lè vác cái bụng phệ, có thể có một hoặc nhiều đầu. Rồng Trung Hoa thì có thân hình con rắn, nanh vuốt đại bàng, bờm sư tử và đuôi cá chép vì họ tin rằng con rồng xuất thân từ con cá chép vượt Vũ Môn. Còn trong Văn hoá Khmer thì tin rằng, con rồng (Neak hay Naga) được tiến hoá từ loài rắn khổng lồ nên con rồng mang thân hình truyền thống của loài rắn. Rồng Khmer có thể có một đầu hoặc nhiều đầu, thân mình cơ bản giống rắn, thường không có chân, và biết bay mà không cần đến đôi cánh. Người Khmer tin rằng, rồng là loài có sức mạnh thiêng liêng, nhiều quyền năng, có thể biến hóa thành người hoặc những hình tượng khác nếu muốn. Các con rồng thường có nhiều tên gọi khác nhau. Việc đặt tên cho các con rồng phần lớn dựa trên số đầu và cơ bản là những chiếc đầu lẻ.

- Rồng một đầu có tên là Shisha: Là loài rồng được hình thành từ những hạt bụi của vũ trụ, trường tồn mãi mãi và chỉ sống ở cõi trời. Là những gì còn xót lại của mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ sau khi đã bị hủy diệt. Đây cũng là biểu tượng của chiến thắng, của hạnh phúc. Trong quan niệm dân gian, tổ tiên Khmer cho rằng rồng Shisha cũng chính là tổ mẫu của dân tộc mình (Neang Neak – Soma).

- Rồng ba đầu: là Neak Kolapa, có nguồn gốc được sinh ra ở khoảng giữa của cõi trời và trần gian. Sống dưới lồng đại dương. Rồng Kolapa tượng trưng cho Tam Bảo của Phật giáo (Phật, Pháp, Tăng), và cũng là biểu tượng của sự ràng buộc trong mối quan hệ chồng, vợ và con cái.

- Rồng năm đầu: là Neak Ananta, tương tự như rồng một đầu, được sinh ra từ những hạt bụi của vũ trụ, trường tồn mãi mãi và cũng chỉ sống ở cõi tiên. Khi sáng tạo sự sống, Thần Vishnu nằm trên rồng Ananta lênh đênh trong vũ trụ mênh mông để “khai thiên lập địa”. Ở đạo Phật, thì rồng năm đầu tượng trưng cho năm vị Phật trong cõi Ta bà.

- Rồng bảy đầu: là Neak Meachalin. Ra đời từ đáy giếng Heranhes, là loài luôn đem lại sự an vui, hạnh phúc cho con người, che chở con người khỏi những thiên tai. Đặc biệt chính neak Meachalin này là đấng hộ Pháp của Đức Phật, đã cuộn mình thành bệ ngồi và dùng đầu để che chở cho đức Phật khi Ngài tọa thiền. Neak 7 đầu còn tượng trưng cho bảy vị thần cai quản bảy tinh tú trong thái dương hệ, trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến cuộc sống của con người. Được biết 7 ngày trong tuần của người Khmer xuất phát từ quan niệm này, đó là: thngay Arthit (ngày mặt trời) - Chủ Nhật, thngay Chhan (ngày Mặt trăng) - Thứ Hai, thngay Angkhear (ngày Sao Hỏa) - Thứ Ba, thngay Phuth (ngày Sao Thủy) - Thứ Tư, thngay Proheas (ngày Sao Mộc) - Thứ Năm, thngay Sok (ngày Sao Kim) - Thứ Sáu và thngay Sao (Sao Thổ) - Thứ Bảy.

- Rồng chín đầu: là Neak Vasuki, là loài rồng của các vị thần. Là biểu tượng của quyền năng, sức mạnh và sự trường tồn của vũ trụ, và cũng là biểu tượng thế giới cực lạc. Có một sự cải biên trong văn hóa Khmer và văn hóa Trung Hoa, đó là câu chuyện về hoàng hậu Maha Maya hạ sinh preahangkomcheasa Siddhartha (Thái tử Tất Đạt Đa) tại vườn Lâm Tì Ni, Thái tử được rồng chín đầu phun nước tắm, điển tích này được người Trung Hoa mô tả bằng đề tài điêu khắc là hình tượng chín con rồng bao quanh Đức Phật sơ sinh, mà chúng ta gọi là “Tượng Cửu Long”.

Nếu văn hóa Trung Hoa xem rồng là vị thần trực tiếp tạo mưa, thì trong văn hóa Khmer lại xem rồng là linh vật cưỡi của thần Mưa (Preah Pearun), vị thần phân phát nguồn nước tưới mát cho mùa màng, mang lại cho con người nguồn sống và hạnh phúc.

Trong tiềm thức của dân tộc, cho đến nay, người ta vẫn tin rằng tộc người Khmer có liên quan mật thiết về huyết thống với rồng. Người Khmer tự nhận mình là con cháu của Neang Neak Soma và một vị Brahman Ấn Độ, họ cùng sinh sống trên vùng đất Koh Thlok cho đến khi thành lập vương triều Phù Nam là vương triều đầu tiên tại Đông Nam Á. Người Khmer tin rằng một lúc nào đó, rồng sẽ xuất hiện và xua tan mọi điều xấu xa ra khỏi đời sống, vì là con cháu của rồng, nên chắc chắn một điều rằng, rồng sẽ không bao giờ rời xa tộc người Khmer.

Hôm trước, mình có đọc một tranh luận trên “Diễn đàn lịch sử” bằng tiếng Việt, trong diễn đàn đó họ tranh cãi về câu hỏi “Naga là rồng hay rắn?”. Tranh luận khá sôi nổi nhưng đáp án không thống nhất, và cuối cùng đáp án vẫn là “Naga là rắn hay rồng?”. Do Văn hoá khác nhau nên các “tác phẩm” rồng cũng khác nhau, cho nên khi nói về Rồng nhất định phải dựa trên hệ quy chiếu của một nền văn hóa nhất định. Người dân xứ Bắc Âu không thể đem truyền thuyết về con Rồng bụng phệ của họ ra mà so đọ với rồng Trung Hoa. Và cũng thế, các bạn ấy cũng không thể đem con rồng Trung Hoa đến mà khai sáng rằng đấy với con Naga của Văn hoá Khmer được. Phàm trên đời sống thì phải biết nguồn biết cội, chứ không thì thành loài mất gốc. Tốt nhất là chúng ta tôn trọng văn hóa của nhau!

Clip mô phỏng rồng Shisa (rồng một đầu) của người Khmer


Do mình phiên âm tên con rồng từ tiếng Khmer nên đôi khi đọc bị trệch hoặc không giữ đúng âm tiết của ngôn ngữ ban đầu, nếu có sai sót thì các bạn sửa giúp.
Hi vọng rằng bài dịch này sẽ giúp các bạn có thêm một chút thông tin.

Khổng Seyla dịch và tổng hợp từ các tài liệu tiếng Khmer
Ảnh: Cambodia Expats Online

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

Vua Suryavarman II - vị vua xây dựng đền Angkor Wat vĩ đại

Suryavarman II (សូរ្យវរ្ម័នទី II - thụy hiệu Parama Vishnu Loka) là một vị vua của Đế quốc Khmer, trị vì từ năm 1113 đến 1150 và là vị vua xây dựng đền Angkor Wat kỳ vĩ để thờ thần Vishnu. Thành tựu rực rỡ của ngài được thể hiện qua những tuyệt tác kiến trúc Khmer và các công trình tôn giáo đồ sộ nhất của nhân loại, ngài thực hiện nhiều chiến dịch quân sự vang dội, phục hưng đất nước, mở rộng lãnh thổ và vực dậy tinh thần Khmer cực mạnh vào thời đại Angkor. Ngài là một trong số vị vua vĩ đại nhất của đế quốc Khmer, các sử gia gọi ngài là “vị vua bách chiến bách thắng”.

Một cảnh vua Suryavarman II trong phim The Great Khmer Empire
do Hollywood sản xuất

Sau khi lên ngôi vào năm 1113, Vua Suryavarman II chọn một khu đất rộng ở góc Đông Nam đô thành Yasodharapura để xây đền núi cho mình. Đó chính là kỳ quan thế giới Angkor Wat ngày nay. Công trình được khởi công vào năm 1122 và cơ bản hoàn thành vào năm vua băng hà, khoảng năm 1150.

Theo lịch sử, dưới sự trị vì của vua Suryavarman II, Angkor Wat đã được vua xây dựng trong khoảng thời gian 37 năm. Cũng trong thời gian này, ngài nối lại quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Hoa và bắt đầu phát động nhiều cuộc chinh phạt các quốc gia lân bang. Đầu tiên là vương quốc Haripunjaya của dân tộc Môn (ở miền Trung Thái Lan ngày nay). Tiếp đến, ngài mở rộng lãnh thổ về phía Tây. Cả một vùng đất rộng lớn của vương quốc Pagan (Myanmar) đều bị quân đội của ngài chiếm giữ. Phía Nam, vương quốc Grahi thuộc khu vực bán đảo Malay cũng được ngài sáp nhập. Sau đó thôn tính Champa và thực hiện các cuộc chinh phạt lên Đại Việt.

Trong các cuộc mở rộng lãnh thổ của ngài, thì cuộc chinh phạt lên vương quốc Champa là ác liệt nhất. Để tìm hiểu nguyên do tại sao, chúng ta cần quay lại một giai đoạn lịch sử trước đó, vào năm 1080, ngay sau khi Champa thoả thuận hoà bình với Đại Việt, vua Champa Harivarman IV dốc toàn lực tràn sang đánh chiếm Sambor, sát hại tổ tiên của ngài là vua Harshavarman III, tàn phá kinh đô Somesvara (Angkor), tàn sát dân thường và bắt rất nhiều tù binh Khmer làm nô lệ.

Để trả mối thù cao hơn núi này, năm 1145, vua Suryavarman II dẫn quân đánh chiếm kinh đô Vijaya (Đồ Bàn) của Champa và tàn phá Mỹ Sơn thành đống đổ nát hoang tàn, sau đó ngài cho một hoàng thân Khmer là Harideva lên ngôi vua Champa. Mãi đến khi ngài băng hà, Champa mới lại độc lập.

Về các cuộc chinh phạt Đại Việt, thì sách “Đại Việt sử ký” cũng có chép lại. Trong khoảng thời gian từ năm 1128 đến 1130 quân đội Khmer thực hiện 3 lần chinh phạt Đại Việt do đích thân ngài dẫn binh. Năm 1150, vua Suryavarman II lại một lần nữa thân chinh mang quân tấn công vào Đại Việt. Chính lần chinh chiến này, người ta không thấy ngài trở về quê hương nữa. Không ai biết ngài băng hà như thế nào, trong sách “Đại Việt sử ký” chỉ ghi lại quân đội Khmer gặp phải bệnh tật, chướng khí trong rừng núi nên tử vong rất nhiều, bản thân ngài cũng băng hà trong rừng sâu núi thẩm và quân đội cũng vì thế mà tự tan vỡ. Tham vọng thống lĩnh châu Á của Khmer vì thế mà không thành.

Hình trên phù điêu Angkor Wat

Suryavarman II băng hà - ánh sáng mặt trời đã tắt vụt, bóng đêm phủ trùm lên đất nước, nội bộ hoàng tộc nổi loạn, ngoại xâm dòm ngó, cả xã hội Khmer rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng cho đến khi một mặt trời mới rực rỡ xuất hiện trên bầu trời Angkor… đó là Hoàng tử Jayavarman VII - là một trong ba vị vua tài năng, anh hùng lỗi lạc của dân tộc Khmer dưới triều đại Angkor. Mà mình sẽ giới thiệu với các bạn trong một bài viết khác.

Đây chỉ là bảng tắt lược, nếu muốn tìm hiểu kỹ hơn thì các bạn nên tìm đọc trên các tài liệu bằng tiếng Khmer, tiếng Anh.

Tổng hợp từ tài liệu Khmer

Thor Namo và các bước váy lạy trong Phật giáo Khmer

Mỗi khi đi chùa, chúng ta thường thấy ông bà cha mẹ chúng ta niệm "Thor Namo". Vậy các bạn có biết "Thor Namo" chính xác có nghĩa là gì?

“Thor Namo” là một bài kinh kệ Pali biểu lộ sự thờ phụng hay lòng tôn kính của người niệm đến chư Phật, đươc xem là thor Namaska cơ bản nhất mà người Khmer nào cũng nên thuộc. Từ “Namo” là dạng ngắn gọn của câu kinh cầu nguyện sử dụng trong đạo Phật được người Khmer, người Thái và người Myan dùng để bày tỏ sự tôn kính của mình đối với Preah Sammasambudd (đức Phật Thích Ca Mâu Ni).

Đôi khi “Namo” được coi như một lời khấn niệm nếu không đủ thời gian để đọc hết cả câu kinh cầu nguyện dài nguyên bản.

Lời cầu kinh đó biểu thị 3 phẩm chất chính của Đức Phật đó là lòng trắc ẩn, sự trong sạch và sự thông thái. Hầu hết kinh Phật của người Khmer, người Thái và người Myan được viết bằng tiếng Pali (bắt nguồn từ tiếng Phạn cổ, là ngôn ngữ của các tài liệu rất quan trọng và linh thiêng trong đạo Phật, chứa đựng rất nhiều ý nghĩa phức hợp khác nhau).

Điều đầu tiên mà chúng ta sẽ làm khi bước chân vào một ngôi đền hay một Preah Vehear nào đó là chúng ta sẽ quỳ gối trước tôn tượng đức Phật (chúng ta hãy tâm niệm tôn tượng ấy là hiện thân của Phật) và “Twaii Bangkhom” (vái lạy) 3 lần.

Các dân tộc theo Phật giáo Theravada sử dụng “Twaii" một cách trịnh trọng để thể hiện sự tôn kính và sùng bái của mình đối với Đức Phật. Trong khi quỳ ở tư thế lưng ở trên gót, chúng ta sẽ chắp tay và cúi người cho đến khi chạm sàn nhà, mở lòng bàn tay ra và trán áp sát bên trên hai bàn tay (nhìn hình minh họa)

Lúc này, toàn bộ cơ thể sẽ có 5 điểm tiếp xúc với mặt sàn đó là hai đầu gối, hai tay và đầu. Động tác này được thực hiện 3 lần.

Tiếp theo, chúng ta sẽ đọc kinh cầu nguyện 3 lần. Cuối cùng, váy lạy 3 lần nữa và sau đó kết thúc.

Nếu có dịp tham quan các chùa chiền Thái Lan và Campuchia, bạn có thể thấy rằng ở một số đền chùa sẽ có một tấm bảng có những lời cầu kinh (là bản phiên âm lại từ tiếng Phạn và thường có bảng dịch tiếng Anh ở dưới) đặt phía trước tượng Phật.

Như đã được đề cập, tiếng Phạn là một ngôn ngữ phức tạp và chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Nên lời cầu kinh tuy ngắn gọn nhưng bao hàm 3 phẩm chất rất cao cả của Preah Sammasambudd của chúng ta.

"Namo tassa Bhagavato
Arahato
Samma sambuddhassa"

Bản dịch tiếng Anh: "I pay homage to the Exalted One
The One who is free from all defilements
The One who is fully self-enlightened".

Bhagavato nghĩa là người đã thấm nhuần những lời răn dạy của kinh Phật.

Arahato nghĩa là người đó là trở thành A La Hán (những người đắc đạo, đạt đến cảnh giới cao nhất của sự sống) và không còn vướng bận những sai lầm nhân gian.

Samma sambuddhassa nghĩa là người đã tự thân tu thành chính quả (đạt đến cảnh giác tối thượng của sự giác ngộ, khai sáng), ý chỉ về Preah Sammasambudd (đức Phật Thích Ca Mâu Ni).


Trong hình hướng dẫn:
Hình trên là nữ, dưới là nam. Thực hiện chu trình 3 lần như vậy xem như đã xong (cả chu trình dài khoảng 2 - 4 phút, tùy người). Với những bước cơ bản này, mình mong tất cả các bạn khi vào chùa đều thực hiện được. Vì đây là Tôn giáo gắn liền với dân tộc chúng ta.
Lưu ý các bạn: Nếu váy lạy các vị Tỳ Kheo hay tăng đoàn, chúng ta cũng thực hiện 3 bước tương tự, nhưng thay lời cầu nguyện bằng lời thăm hỏi đến các ngài. Chỉ thực hiện duy nhất 3 lần váy lạy thôi.

Khổng Seyla

Phế tích ngồi đền Brahman giáo thời Phù Nam ở Trà Cú

Phế tích ngồi đền Brahman giáo (hay Bà La Môn giáo) của người Phù Nam cổ tọa lạc trên một gò đất cao thuộc ấp Lưu Cừ II, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Được khai quật cuối năm 1986 và được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991. Thường được báo chí đề cập đến với tên "Di tích kiến trúc Lưu Cừ II".
Từ Tp Trà Vinh theo quốc lộ 53 đến ngã 3 Tập Sơn, thay vì rẽ trái về hướng thị trấn Trà Cú, chúng ta đi thẳng về hướng Lưu Nghiệp Anh là có thể đến được nơi Phế tích ngồi đền Brahman giáo cổ. Đây là phế tích một ngôi đền cổ hiếm hoi còn sót lại ở Miền Tây Nam bộ, được cho là một trong những kiến trúc của nền văn hóa Óc Eo (thuộc Phù Nam xưa).
Di tích này giờ chỉ còn là phế tích, nhưng nó đã cho thấy dấu vết của một khu cư dân khá lớn đã phát triển và tồn tại từ cách nay nhiều thế kỷ, là minh chứng cho sự phát triển ban đầu về văn hóa, xã hội của cư dân Phù Nam vào những năm đầu công nguyên.
Ảnh: TraVinh.gov.vn
Với những gì còn xót lại, người ta có thể dễ dàng thấy rằng ngôi đền này được xây dựng với cấu trúc khá đơn giản mộc mạc nhưng khá đồ sộ trên gò đất rộng, cao hơn mặt ruộng xung quanh. Với cấu tạo kiến trúc gồm hai phần chính: kiến trúc bên ngoài và kiến trúc bên trong. Kiến trúc bên ngoài gồm: tường móng kiến trúc bao ngoài, tường móng kiến trúc bao trong và những khối trụ hình vuông. Kiến trúc bên trong gồm: kiến trúc bên ngoài và kiến trúc trung tâm.
Kiến trúc được xây dựng bởi trình độ kỹ thuật khá cao với nhiều loại gạch: gạch hình chữ nhật, hình tam giác, hình thang, hình khuyết có dạng một vai hoặc hai vai, gạch có đầu cong nhọn về một bên,... Một số viên chạm hình kỹ hà, hình cánh hoa, hình hổ phù.
Theo người dân địa phương, trước khi khai quật di tích này chỉ là một gò đất cao khoảng 5m, cây cối um tùm. Bên cạnh đó là hai cây đa khổng lồ che bóng mát cho miếu Neak Tà do người Khmer nơi đây lập nên. Sau nhiều lần khai quật, ngồi đền được xây dựng sữa chữa và mở cửa đón du khách tham quan đến tham quan.
Với những chứng tích có giá trị của một nền văn hóa lâu đời, phế tích của ngôi đền cổ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1991.
Thông tin: Khổng Seyla
Hình ảnh: Travinh.gov.vn

Wat Phou - quần thể đền thờ Khmer ở Nam Lào

Wat Phou là một hệ thống đền cổ phức hợp của người Khmer đã bị phá hủy khá nhiều nằm dưới chân núi Phou Kao, tỉnh Champasak, miền Nam Lào, cách sông Mekong 6 km, cách thủ đô Vientiane 670 km về phía nam. Được bao bọc bởi Siphandone gồm 4.000 hòn đảo lớn nhỏ trên sông Mekong cùng với 9 ngọn núi bao quanh phố cổ. Wat phou được xem là một bản thu nhỏ của Angkor Wat nhưng vẫn có những nét độc đáo và bí ẩn riêng của mình, cuốn hút cả những du khách đã từng ghé thăm Angkor Wat. Đây là một công trình văn hoá tiêu biểu nhất của Champasak, đã được UNESCO ghi tên vào danh mục di sản thế giới năm 2001.

(ảnh Getintravel)

Quần thể này có một ngôi đền từ thế kỷ 5 và các cấu trúc còn sót lại được cho là có niên đại từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13. Wat Phou là đền thờ xưa nhất ở Lào, từng là trung tâm của đạo Hindu, thờ thần Shiva. Ngôi đền có kết cấu độc đáo dẫn đến một điện thờ, nơi có một Linga tắm trong nước từ một dòng suối trên núi chảy xuống. Thế kỷ 13, vị vua của đế quốc Khmer cải đạo sang Phật giáo Theravada, từ đó Wat Phou trở thành đền thờ Phật giáo và tồn tại cho đến bây giờ. Ngày nay, Wat Phou là một trong những nơi quan trọng lưu giữ các giá trị về lịch sử và văn hóa đất nước Lào.

Truyền thuyết và lịch sử Lào cho rằng, ban đầu nơi đây là đền thờ Thần Badhecvara, được xây dựng từ thế kỷ thứ V và thứ VII. Nơi đây còn có thành Crethapura, kinh đô đầu tiên của vương quốc Chân Lạp. Các nhà khảo cổ học luận giải rằng, thời kỳ đó đã từng tồn tại một con đường nối liền Wat Phou với Angkor Wat, cách đó khoảng 100 km.

(ảnh: Wat Phou Champasak)

Từ thế kỷ XI, ngọn núi với dòng suối thiêng phía sau ngôi chùa là trung tâm thờ phụng và thiền định của các tăng lữ Khmer. Các nghi lễ tế thần hàng năm được tổ chức ở những đền thờ dưới chân núi.

Ngày nay lễ Wat Phou là lễ hội Phật giáo của cả vùng Nam Lào, một trong những lễ hội lớn nhất ở Lào, được tổ chức liên tục trong 3 ngày vào dịp rằm tháng 3 âm lịch.

Người dân khắp đất nước Lào và vùng đông bắc Thái Lan nô nức hành hương về đây. Hồ Noòng Viêng (hồ nước của kinh thành) ở trước ngôi đền cổ là trung tâm của lễ hội. Tại đây có các hội đua thuyền, đua voi, chọi trâu, biểu diễn vũ nhạc và bắn pháo hoa. Các nghi lễ Phật giáo, Ấn Độ giáo và tín ngưỡng thuyết linh vật đồng thời được tổ chức.

Ngay cổng vào đền Wat Phou có một bảo tàng trưng bày hơn 100 bức tượng đá, phù điêu, họa tiết trang trí chạm khắc trên đá đẹp tuyệt vời. Những cổ vật này có niên đại từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 11. Cổng chính và mặt trước của ngôi đền hiện nay đã đổ nát nhưng vẫn còn rõ nét dấu ấn những bức phù điêu chạm khắc hình ảnh các vị thần Hindu. Qua cổng, có con đường rộng đến chân núi thẳng tắp những hàng trụ đá hình Linga, biểu tượng của thần Shiva. Mặt đường được lót những tảng đá phẳng. Cuối con đường lộ ra hai ngôi đền chính, hướng về phía Đông, đối xứng với nhau, trên một gò cao. Các công trình kiến trúc ở đây đều bằng đá.

Khu đền thượng nằm ở lưng chừng núi. Đường lên đền thượng cũng là những bậc cấp lát đá, hai bên có những cột đá tròn dựng đứng. Ngôi đền là một khối kiến trúc được xếp từ những tảng đá lớn, chạm trổ hoa văn cầu kỳ, hoa mỹ. Phía sau ngôi đền là vách núi, trên đó những người thợ tài hoa Khmer xưa đã tạc những bức tượng lớn nhỏ rất sống động.

Nhìn vào kiến trúc ngôi đền, hình dung công việc vận chuyển những khối đá lớn nặng hàng tấn, gọt đẽo, chạm khắc hoa văn, tượng Phật, thần linh rồi lắp ghép lại để tạo thành một quần thể kiến trúc to lớn, đồ sộ nhưng hài hòa, vững chãi trên triền núi cao... mới thấy người Khmer xưa thật tài hoa, họ đã đổ biết bao công sức, trí tuệ, của cải mới tạo dựng được một Wat Phou kỳ vĩ.

Không tránh khỏi sự tàn phá nghiệt ngã của thời gian với khí hậu khắc nghiệt, nhưng Wat Phou hơn nghìn năm lịch sử vẫn là điểm đến hấp dẫn của du khách bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của công trình kiến trúc độc đáo; bởi yếu tố tâm linh thần bí của vùng đất thiêng gắn liền với khát vọng cuộc sống bình yên của con người.


Tổng hợp và lược dịch từ website Wat Phou Champasak, UNESCO và
Getintravel

Prasat Sikhoraphum - ngôi đền cổ Khmer trên đất Thái

Prasat Sikhoraphum (Thái : ปราสาท ศีขรภูมิ, Khmer: ប្រាសាទសិគ្រភូមិ, Việt: Đền Sikhoraphum) là một ngôi đền cổ Khmer, được xem là một trong những đền đài cổ tráng lệ nhất của tỉnh Surin. Toạ lạc tại huyện Sikhoraphum, tỉnh Surin, Thái Lan. Được vua Suryavarman II (một trong 3 vị vua vĩ đại nhất thời đế quốc Khmer) xây dựng vào khoảng thế kỷ 11 - 12 để thờ các vị thần Hindu.
Ngôi đền bao gồm năm prangs (Prang là tháp phong cách Khmer) đặt trên một nền tảng đá ong duy nhất. Prang trung tâm là cao nhất với độ cao 32 mét. Các prang trung tâm thường chứa các Linga - một biểu tượng linh thiêng tượng trưng cho sức mạnh của thần Shiva. Prang này được bao quanh bởi bốn prangs nhỏ hơn, được đặt trong một hình vuông. Cũng như các ngôi đền Khmer khác, Đền Sikhoraphum đền hướng về phía Đông và được bao quanh bởi một con hào.
Ngôi đền được chuyển thành đền thờ Phật Giáo vào thế kỷ 16. 
Các phù điêu trong ngôi đền này có một sức hút đặc biệt. Những nét chạm trỗ trên cột, tường và rầm đỡ trên lối đi được bảo quản rất tốt, và vẫn thể hiện rõ chi tiết tinh hoa của ngôi đền.
Các bức phù điêu chạm khắc trên lối vào prang trung tâm thể hiện sinh động hình ảnh của thần Shiva với mười cánh tay đang nhảy múa, bên cạnh các vị thần Brahma, Ganesha, Vishnu và Uma. Trên khung cửa còn có Apsaras, devatas và dvarapalas - một nét đặc trưng của các ngôi đền Khmer cổ.
Bốn prangs khác cũng với những nét chạm khắc độc đáo của người Khmer mô tả của con rắn Naga huyền thoại với ba cái đầu.
Mặc dù vậy, nhưng Đền Sikhoraphum không nổi tiếng như các đền thờ Khmer cổ khác ở Thái Lan, bởi vì vị trí cách xa các khu du lịch chính, nên rất ít khách du lịch nước ngoài ghé thăm. Có lẻ nhờ thế mà bầu không khí ở đây rất yên bình.

Theo Renown Travel
Lược dich bởi Khổng Seyla

Mùa mưa và tuổi thơ nghịch ngợm

Mùa này là mùa của những cơn mưa tầm tã bất chợt. Hồi nhỏ tôi mê nhất cái mùa này, là bởi vì là mùa hè và mùa của tuổi thơ nghịch ngợm.

Còn nhớ lúc nhỏ tôi ham mưa lắm cứ mỗi độ mưa rào, tôi mặc độc chiếc quần xà lỏn rồi vác xô chậu lỉnh kỉnh hứng nước mưa cho mẹ. Thỉnh thoảng lại dùng đôi bàn tay nhỏ bé của mình dọc phá nước, rồi hứng uống vài ngụm... nước mưa xứ mình sao mà ngọt ngào và thanh thao quá.

Hồi đó, không hiểu bằng cách nào mà bà nội chỉ dòm trời là biết trước những cơn mưa rào dù chúng đến rất bất ngờ. Tôi thì không hiểu lắm nên thường hỏi bà nội 'chiều nào sẽ có mưa', để còn chuẩn bị cùng đám bạn đi soi ếch đêm. Sau một trận mưa chiều ếch đồng ra nhiều lắm, những chú ếch mập ú kêu ráo trời. Cả bọn bắt đầu lụi cụi đem dụng cụ soi ếch tự chế ra. Thường là cỡ trời sập tối, ếch bắt đầu bài ca ồm ộp của chúng. Tôi nhẹ nhẹ lần theo con đê, lắng tai nghe tiếng ếch kêu để định vị. Lúc này cái đèn pin gắn trên nón đội trên đầu tôi sẽ phát huy hiệu quả. Lũ ếch ngộ lắm, khi thấy ánh sáng là chúng ngồi yên bất động và hướng mắt về nơi có ánh sáng. Đoạn, cái tôi canh chính xác và đâm một phát thật dứt khoát cái cây ba chĩa về phía con ếch tội nghiệp. Thế là xong đời một em!

Lần nào cũng vậy, sau một trận mưa là cả nhà tôi lại có ếch ăn. Thịt ếch đồng đem nướng muối ớt, hay xào sả ớt thì ăn cơm ba bốn chén chưa thấy no. Bà nội tôi thì hay đem ếch nấu canh chua lá giang, một loại lá hơi chát, có vị chua thanh được Nội trồng ở sau nhà. Thịt ếch nấu canh chua lá giang, thả thêm vài khoanh ớt đỏ, cùng với chén nước mắm thì ngon khỏi phải nói. Nhắc đến mà phát thèm!

Có một dạo, cũng sau một trận mưa rào như thế tôi cùng mẹ đi bắt cá rô ở những chân ruộng khô, gần đầm nước. Khi mưa rào về, cá rô theo dòng nước lên chân ruộng khô, con nào con nấy béo nùng nục toàn thịt là thịt. Bữa đó 2 mẹ con bắt được cả chục con cá rô to, về nướng trên bếp củi rồi dầm với tương ớt. Thế là chiều hôm ấy cả nhà quây quần bên mâm cơm có món cá rô nướng thơm lừng. Chẹp chẹp. Ngon ơi là ngon. Có lẻ tham ăn quá, có lần bị mắc xương...nên từ dạo đó đến giờ tôi ko dám ăn cá rô nữa

Ở xứ tôi có loại nấm mối mà có lẻ nhũng người ở xứ khác không thường được ăn. Thứ nấm dài dài, trắng trắng nhìn cũng rất bình thường nhưng được quý như đặc sản, nấm này không trồng được mà hoàn toàn từ thiên nhiên cho nên người có tiền chưa chắc gì từng được ăn. Loại nấm này mọc lên sau những cơn mưa đầu mùa, nơi những ụ mối đùn lên. Bà nội tôi nói nấm mối giống arakphum (ma) ai mà yếu vía thì không bao giờ thấy nó. Nấm mối mọc ở chổ nào thì năm sau chổ đó sẽ có nấm mối tiếp. Khi hái nấm mối tuyệt đối phải dùng tay nhẹ nhàng nhổ từng cọng thật khéo léo, nếu dùng dao thì năm sau không có nữa mà ăn. Nấm mối thì ngon thôi rồi, ngọt và dai như thịt gà vườn. Nấu canh, xào mướp, nấu cháo, hay cuốn lá lốt nướng đều ngon không thể tả. Mà Ít nhất 7 - 8 năm rồi tôi ko từng được ăn lại loại nấm hiếm và ngon như vậy.

Thú thật là tôi có một tuổi thơ khá đẹp nhưng gian khó với những cơn mưa rào và thẫm đẫm tình yêu thương của cha mẹ. Gia đình thuần nông, hàng ngày, sau những công việc đồng án, ba mẹ tôi phải nuôi trồng vặt để kiếm thêm chút ít thu nhập. Lúc còn là học sinh tiểu học, gia đình tôi sống ở ngoài cánh đồng, bên cạnh nhà có một dòng sông và thế là ba mẹ nuôi thêm mấy chục con vịt đẻ, vừa để có thu nhập vừa có trứng cho 3 anh em chúng tôi ăn.

Còn nhớ những chiều mưa, một mình ba ướt đẫm lùa đàn vịt dưới sông lên chuồng. Mưa rào đến bất chợt không báo trước bao giờ nên cả nhà tôi luống cuống vì đàn vịt vẫn còn dưới sông, cả gia tài nhà tôi ở đó. Thế là tôi theo ba mẹ chạy dọc bờ sông lùa vịt, giống vịt đẻ tinh ranh và lặn giỏi báo hại ba phải lặn xuống sông và bơi theo chúng. Khi lùa được đàn vịt vào chuồng thì người ba mẹ ướt sũng và run lên vì lạnh. Ngoài kia, mưa rào vẫn tuôn xối xả, tự nhiên tôi thấy mưa không còn hồn nhiên, vô tư nữa.

Cũng có buổi chiều mưa dai mưa dài mưa miết đến đêm không tạnh. Một mình tôi đội áo mưa đi học chữ Khmer tại ngôi chùa Costhonlop cách nhà tầm 2km, trên đường ngang qua khu nghĩa địa dài tầm cả cây số ko một ngôi nhà, đường tối mù lạnh rợn người. Vậy mà tôi lặn lội đi học, từ hè này qua hè kia, cuối cùng cũng đọc biết chữ nghĩa Khmer đến thnak Achar. Ko biết hồi đó, nhỏ sao mà lì, giờ mỗi lần về quê, đi ngang qua nghĩa địa là dựng hết tóc gáy. Ba nói sinh ra là con cháu Khmer chịu nhiều thiệt thòi, ngoài học chữ nghĩa người ta để sau này sống được, còn phải tranh thủ học chữ dân tộc mình để gìn giữ bản sắc - có lẻ đó là lý do.

Mưa làm cho tuổi thơ trở nên vui buồn lẫn lộn. Ai đi xa xứ mà không nhớ cho được. Vẫn chim trời cá nước mênh mông vậy, nhưng cha tôi đã mất khá lâu, Nội cũng vừa đi xa hồi Tết, ở nơi đó chỉ còn có mỗi mẹ côi cút với ruộng vườn. Mỗi lần về rồi lại đi, thực tình chỉ muốn gói ghém tất cả lại, bỏ vào vali mang theo theo bên mình. Ước gì mình có thể bê cả Trà Vinh đặt cạnh Sài Gòn. Để đường về chẳng còn xa xôi nữa, để những buổi chiều chẳng phải ngồi ngóng những cơn mưa.

Chiều nay mưa rào xối xả đổ trên đầu, làm cho đôi vai rắn chắc của người đàn ông 26 cũng phải run lên bần bật..

Khổng Seala
Chiều 30.7.2014

Bệnh viện Đa Khoa Minh Tâm (Minh Tam Hospital)

Bệnh viện đa khoa Minh Tâm tọa lạc tại số 36 Nguyễn Đáng, P.9, TP Trà Vinh . Đây là một bệnh viện ngoài công lập nổi tiếng tại Trà Vinh được...