Ok Om Bok là một trong ba lễ hội truyền thống lớn nhất của dân tộc Khmer vì bao hàm luôn cả phần lễ và hội. Lễ là lễ cúng trăng, còn hội luôn gắn liền với các trò chơi dân gian, trong đó có cuộc đua ghe Ngo (ប្រណាំងទូក «ង») là một trò chơi dân gian, vừa tỏ sức mạnh vừa tỏ sự đoàn kết, mà nay đã trở thành một lễ hội truyền thống diễn ra khắp đất nước Campuchia, cùng với 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh ở VN, để tái hiện lại một phần hình ảnh quân đội hải quân của tổ tiên người Khmer đã chiến đấu chống lại kẻ thù bảo vệ quê hương.
Ngay khi trăng vừa lên, mỗi gia đình bày cúng một mâm gồm nhiều sản vật và Om Bok (cốm dẹp) ở giữa sân. Gia chủ khấn nguyện cúng lên Preah Chand những sản vật của vụ mùa vừa qua. Sau khi cháy hết tuần hương, người lớn trong nhà gọi con cháu đến ngồi xếp bằng trước bàn thờ. Cũng động tác chắp tay thành kính trước bàn thờ Mặt Trăng, sau đó một dùng tay nhúm một ít Om Bok và lễ vật khác, đút vào miệng từng lượt con cháu, tay kia vỗ lưng và hỏi "ước muốn của con/cháu năm nay là gì?". Sau đó con cháu sẽ nói về ước muốn của mình, vái lạy Preah Chand và tin rằng năm đó mọi điều tốt lành sẽ đến với họ. Cuối cùng mọi người hạ cỗ cùng nhau hưởng lễ vật; Sau đó, các gia đình đến chùa xem thả đèn gió (Kom), đèn nước - hoa đăng (Loi Pratip). Bầu trời rực sáng với những chùm đèn gió bay cao, trên sông lung linh đủ sắc màu những ngọn nến được cắm trong những con thuyền Loi Pratip trang trí sặc sỡ.
Đèn Khồm hay Đèn gió
Đèn Loy Protip
Người ta cho rằng, đèn gió bay lên cao tượng trưng cho những ước vọng, nền tin con cháu gửi tới Thần Mặt Trăng (Preah Chand). Còn đèn nước thể hiện sự tôn kính của chúng ta đối với Thần Nước (Preah Mae Maha Kongkea) đồng thời cầu xin ngài tha thứ cho những hành động của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày đã làm ô nhiễm nguồn nước của ngài.
Vào đêm này, khắp nơi nơi, mọi người ta đổ ra đường đông nghèn nghẹt. Tại các ngôi chùa lớn gần trung tâm tỉnh huyện thường có nhiều hoạt động sân khấu Reamker, Zuker, Robam, Ramvong,... và chơi các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, đấu võ, múa hát... tạo không khí náo nhiệt, tưng bừng có khi kéo dài đến trắng đêm.
Gắn liền với Ok Om Bok là hội đua ghe Ngo diễn ra trong ngày. Đua ghe Ngo là nghi thức truyền thống tiễn đưa thần nước sau mùa gieo trồng về với biển cả. Và cũng là nghi thức tôn giáo tưởng nhớ linh vật tổ Naga và những trận hải chiến của Hải quân tổ tiên người Khmer.
Một chiếc ghe Ngo dài thườn thượt trên 30m, chứa mấy chục các tay bơi cường tráng… chiếc ghe Ngo cong vút tạc hình linh vật tổ Naga, thân ghe chạm trỗ hoa văn hình kỷ hà và được sơn màu sặc sỡ, lướt vùn vụt trên mặt nước. Xem thật hay.
Với người Khmer, chiếc ghe Ngo chính là bảo vật thiêng liêng, và là hình ảnh đại diện cho phum srok, được bảo quản rất cẩn thận tại chùa và chỉ dùng trong ngày lễ Ork Om Bok. Chính vì vậy, cuộc đua luôn diễn ra quyết liệt.
Ghi chú: Preah Chand hay Preah Chandra: Thần mặt trăng
Preah Mae Maha Kongkea: Mẹ Nước tức là rồng (Naga hay Neak).
Preah Mae Maha Kongkea: Mẹ Nước tức là rồng (Naga hay Neak).
Hình ảnh: sưu tầm
Viết: Trần Chanthi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét