Nói đến Trà Vinh, người ta nghĩ ngay đến với những ngôi chùa Khmer cổ kính thấp thoáng dưới bóng những hàng cây cổ thụ và ao Bà Om – một di tích lịch sử, văn hóa mang nhiều huyền thoại của người Khmer Cổ trong vùng, đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, thuộc loại hình danh lam thắng cảnh, vào ngày 10-7-1994.
Ao Bà Om, gọi theo tiếng Khmer là Ku Srah Srey hay Srah Ku (គូស្រះស្រី hay ស្រះគូ) nằm trên Quốc lộ 53 hướng từ tp Trà Vinh ra thị trấn Càng Long, thuộc khóm 4, phường 8, Tp. Trà Vinh. Tổng khuôn viên rộng khoảng 100.000m2, trong đó mặt ao gần 43.000m2. Bao bọc xung quanh ao là những gò cát chông chênh với hàng trăm gốc dầu cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có rễ trồi lên mặt đất thành những hình thù kỳ vĩ, lạ mắt. Những vạt cỏ năn xanh mướt mọc ven bờ ao, những hoa sen bung nở những cánh hoa lung linh, hữu tình. Cạnh bờ ao là chùa Âng (វត្តឣង្គ) – một trong số ngôi chùa Khmer cổ kính vào loại bậc nhất ở Việt Nam, và Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh là nơi bảo tồn rất nhiều hiện vật phản ánh về đời sống văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất của người Khmer trong tỉnh.
Gốc Tây Ao Bà Om. Ảnh: VHTT DL KV 3
Từ lâu ao Bà Om đã là niềm tự hào của người dân trong vùng và là điểm tham quan du lịch, dã ngoại được nhiều du khách lựa chọn.
Ao Bà Om có những câu chuyện kể mang nhiều chi tiết huyền thoại nhưng cũng rất gần gũi với cộng đồng xuất phát từ đời sống cổ xưa của người Khmer.
Một trong những truyện dân gian kể rằng: ngày trước, hằng năm cứ đến mùa khô thì nước ngọt rất khan hiếm. Ruộng rẫy khô cằn, cây cỏ vàng úa. Đời sống bà con trong vùng lầm than khôn cùng. Một vị quan trấn nhậm trong vùng bèn quy tụ bà con lại đào ao giữ nước ngọt để dùng trong sinh hoạt và tưới tiêu ruộng vườn. Cùng lúc đó, trong vùng xảy ra một vụ “tranh chấp” khó giải quyết: đàn ông và đàn bà, ai phải đi xin cưới ai? Ai phải chịu mọi phí tổn trong lễ cưới? Nhân dịp này, vị quan ấy chia ra hai bên nam nữ tổ chức một cuộc thi đào ao. Ao bên nào đào sâu - rộng - lớn hơn và xong trước thì thắng cuộc, bên thua cuộc sẽ phải đi xin cưới bên thắng cuộc. Trời vừa tắt nắng, hai bên chia nhau đào ao. Bên nam thì đào ao tròn ở phía Tây còn bên nữ đào ao vuông ở phía Đông. Bên nữ thấy không thể kình được sức đàn ông nên bên nữ dùng “kế”: Họ vừa đào vừa ca múa để các chàng bỏ việc mà chạy sang rình xem và biệt đãi để bên nam ăn nhậu đến say sỉn hết. Nửa đêm, họ chặt một cây tre thật dài, treo ngọn đèn lồng rồi đem cắm ở hướng Đông. Theo giao hẹn là khi sao Mai mọc là phải ngừng công việc, khi bên nam thấy ngọn đèn tưởng là sao Mai nên họ rủ nhau về nghỉ. Trong lúc đó bên nữ đào đến sáng và xong việc trước. Bên nam thua cuộc trong sự “tâm phục, khẩu phục”.
Theo như tên gọi sơ khai của nó, là Srah Ku (ស្រះគូ), có nghĩa là Ao Đôi gồm có Srah Srey và Srah Pros (ស្រះស្រីនិងស្រះប្រុស) nhưng vì Srah Pros (ស្រះប្រុស) được đào rất cạn nên theo thời gian đã bị vùi lấp mất.
Về cách lý giải tên gọi "Ao Bà Om" là do yếu tố ngữ âm, có giai thoại cho rằng, trước đây, quanh bờ ao này mọc rất nhiều rau ngò om (một thứ rau gia vị, dùng bỏ canh chua), người dân Khmer quen gọi là "banlae ma’om" (បន្លែម៉្ឣម), nên một số người còn gọi ao này là Srah Ma’om (ស្រះម៉្ឣម) nghĩa ao Mà Òm, sau này khi người Việt di cư vào, trong quá trình cộng cư với nhau, người Việt cũng biết đến địa danh nổi tiếng này nhưng vì trong tiếng Việt phát âm từ “Ao Mà Òm” không suông miệng nên dần dà Ao Mà Òm được đọc trại thành Ao Bà Om như ngày nay.
Một góc tại Ao
Theo thống kê, thì có đến gần 10 dị bản kể về huyền sử Ao Bà Om gồm đủ các thể loại: truyện cổ tích, truyện dã sử, truyền thuyết, giai thoại… giải thích địa danh ao Bà Om. Xét về mặt nội dung, hầu hết các truyện xoay quanh ba chủ đề chính: giải thích tên gọi của ao theo cách gọi của người Khmer và cả người Việt trong vùng, lý giải việc "nam nhân đi xin cưới nữ nhân" và tại sao người Khmer có tục lệ theo họ mẹ. Các truyện kể đều là sản phẩm của trí tưởng tượng, mang đậm dấu ấn văn hóa của người Khmer.
Trước đây, ở vùng Trà Vinh, hằng năm cứ đến mùa khô, nước ngọt rất khan hiếm. Ruộng rẫy khô cằn cây cỏ héo khô. Đời sống nhân dân rất cơ cực, cho nên vị quan trấn nhậm vùng đất này cho đào ao để có nước dùng trong sinh hoạt và tưới tiêu ruộng vườn. Trên cơ sở đó có thể thấy mục đích chính của việc đào ao Bà Om là dùng để lấy nước và tích trữ nước ngọt, phục vụ cho bà con trong vùng ngày xưa. Một nội dung quan trọng khác của các câu chuyện là đều đề cao tài trí, bản lĩnh của người phụ nữ. Tuy nhiên nhân vật Bà Om là không có thật, và cũng không thấy một dị bản nào của người Khmer có đề cập đến người phụ nữ tên là Bà Om (យាយឣំ) cả. Đến thăm ao Bà Om, nghe kể những "phiên bản" khác nhau của huyền sử xa xưa, khó có thể xác định và thiết nghĩ cũng khó đánh giá truyện nào là giải thích nguồn gốc hình thành ao Bà Om chính xác hơn cả. Theo thiển ý của cá nhân tôi, giải thích theo cách trên có thể hữu lý và dễ dàng chấp nhận hơn.
Cận cảnh một gốc cây cổ thụ trong khuôn viên Ao. Ảnh Chaza Sơn
Bài viết chủ yếu để độc giả hiểu hơn về huyền sử và tên gọi sơ khai của địa danh Ao Bà Om, không đặc tả về vẻ đẹp của Ao Bà Om. Bài viết này được viết dựa theo quan điểm và sự hiểu biết cá nhân, chắc chắn sẽ có rất nhiều thiếu xót, mong bạn đọc có sự hiểu biết về Ao Bà Om góp ý bổ sung trong mục bình luận/comment. Cám ơn bạn đã quan tâm đến bài viết này.
? Xem thêm Danh thắng Ao Bà Om
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét