Chùa Vàm Ray tọa lạc tại ấp Vàm Ray, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh), đây là một ngôi chùa Khmer cổ, có thời gian tồn tại hơn 600 năm. Năm 2004, ngôi chùa Vàm Ray cổ mục nát được di dời đến vị trí khác để xây dựng ngôi chánh điện mới hoàn toàn, được khánh thành vào ngày 09/9/2008. Hiện nay chùa được xem là một trong những ngôi chùa Khmer lớn nhất và uy nghi hoành tráng nhất Việt Nam.
Hầu hết các trình quan trọng nhất của chùa đều đã được xây dựng lại mới đẹp hơn, hoành tráng hơn nhưng vẫn giữ nét cổ kính truyền thống của Phật giáo Khmer. Tổng thể là một công trình kiến trúc đồ sộ và độc đáo phủ lớp sơn như dát vàng từ mái đến tường. Được biết, kinh phí xây dựng chùa là do đại gia Trầm Bê - một doanh nhân nổi tiếng và cũng là một Phật tử trong bổn sóc - phát tâm xây dựng.
Cổng chùa được xây dựng theo môtíp Angkor rất hoành tráng và toàn bộ được sơn thếp vàng. Đỉnh cổng là 9 ngọn tháp lớn được tạo thành từ hàng trăm ngọn tháp nhỏ chất chồng lên nhau tầng tầng lớp lớp - mô phỏng đỉnh núi Sômê linh thiêng trong thần thoại Khmer. Độ hoành tráng và sự nổi bật của kiến trúc cổng chùa có một sức hút kỳ lạ, khiến cho bất kỳ ai vô tình đi ngang qua cũng phải đứng lại ngắm nhìn.
Cổng chùa Vàm Ray - Ảnh: Thạch Sa Tha
Bước chân vào khuôn viên chùa, chắc chắn bạn sẽ choáng ngợp khi lần đầu tiên thấy một ngôi chánh điện uy nghiêm lộng lẫy đến thế. Những hàng cột cao vút và họa tiết hình vòm bao xung quanh tạo nét duyên dáng và thanh thoát cho công trình. Trên nóc chánh điện cũng có 3 ngọn tháp Mondop tạo thành những mái nhọn 2-3 tầng chồng lên nhau và đỉnh là một ngọn tháp nhọn nhô lên cao vút giữa trời xanh.
Các họa tiết, hoa văn, phù điêu từ chân đến đỉnh chánh điện được tạo tác vô cùng công phu. Tất cả được sơn son thiếp vàng nên công trình không chỉ uy nghi về kiến trúc mà còn mang vẻ đẹp vô cùng lộng lẫy giống như các ngôi đền chùa Phật giáo bên Thái Lan và Campuchia.
Một gốc chánh điện và cột cờ chùa Vàm Ray - Ảnh: kenh14.vn
Bên trong chánh điện, chỉ thờ duy nhất Pháp thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni với một Pháp thân lớn đặt trang trọng ở vị trí cao nhất. Một số Pháp thân nhỏ được bố trí ở các vị trí thấp hơn. Không gian chánh điện rộng và cao thanh thoát tạo nên không gian mát mẻ khiến cho bất kỳ ai khi bước chân vào cũng cảm nhận được thoải mái, thanh tịnh nơi ngã Phật.
Bên trong chánh điện - Ảnh: Thạch Sa Tha
Các bộ cửa nơi chánh điện được chạm khắc công phu từ những khối gỗ quý. Các vị sư tu học tại chùa cho hay, các khối gỗ quý này được nhập về từ nước ngoài. Người thợ mất nhiều thời gian, công sức chạm trổ hoa văn tạo thành những tác phẩm hoàn mỹ.
Giữa sân chùa có một cột cờ hình trụ cao vút được nâng đỡ bởi những con rồng Naga.
Thông thường, ở những ngôi chùa Khmer khác, tượng chằn Yak được xây dựng ở các lối lên xuống hoặc tại các cửa ra vào của chánh điện nhưng ở chùa Vàm Ray tượng chằn được xếp thành hàng xung quanh chánh điện, với khuôn dữ tợn, mặc áo giáp, tay cầm chùy... các ngài ấy có trọng trách bảo vệ ngôi chùa.
Từ hướng chánh điện nhìn chếch về hướng Đông Nam, bạn sẽ thấy tượng đức Phật Thích Ca nhập niết bàn, tượng dài hàng chục mét được đặt trên bệ tương đương với một ngôi nhà 2 tầng. Toàn bộ tượng và bệ cũng được sơn phủ sơn son thiếp vàng. Người ta cho rằng đây là tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam.
Tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam - Ảnh: facebook Phạm Hoài Nhân
Dù được xây dựng mới nhưng ngôi chùa vẫn có nét cổ kính, thiêng liêng của ngôi chùa Khmer cổ điển. Bạn càng chiêm ngưỡng càng bị cuốn hút, từ các họa tiết hoa văn nhỏ được tỉa gọt một cách tỉ mỉ đến những khối công trình đồ sộ, đều để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm thức bạn.
Vào mỗi dịp lễ hội truyền thống, dân cư ở các phum, sóc đổ về chùa rất đông đúc. Họ đến để làm lễ phật và cầu xin bình an, cúng dường để cầu được phước. Khi đó, ngôi chùa không chỉ là chốn tâm linh mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng của người Khmer. Nhưng vì chùa tọa lạc cách xa thành phố và trung tâm huyện lụy, nên vào các ngày thường, chùa chỉ đón lác đác vài đoàn tham quan mỗi ngày.
Nếu thích không gian nhộn nhịp của hội hè, bạn nên đến chùa vào các dịp lễ hội cổ truyền của người Khmer như Chol Chnam Thmey, Send Donta, Ok Ombok…. để hòa mình trong không gian văn hóa vừa mang tính tín ngưỡng thiêng liêng vừa mang tính lễ hội đặc trưng của người Khmer xứ này.
Tổng hợp bởi Thạch Sa Tha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét