Sau ba tháng an cư theo truyền thống Phật giáo, chư Tăng khắp nơi giờ được phép đi lại và thọ nhận y mới. Truyền thống đó được gọi là đại lễ dâng y Kathina (lễ Kathina - Bun Kathina Tean).
Lễ Kathina được Cộng đồng Khmer tổ chức sau khi kết thúc mùa Preah Vassa hay Vassavàsa (an cư kiết hạ) và trước ngày lễ hội Ok Om Bok cổ truyền. Tức trong khoảng thời gian 29 ngày, kể từ ngày 16 keh Asuch đến ngày 15 keh Kadhek (đọc là Kađất) theo Phật lịch (ngày 16/9 đến 15/10 âm lịch).
Theo truyền thống của Phật giáo Khmer, ban trị sự chùa và các vị tăng sĩ sẽ họp bàn và ấn định một ngày cụ thể rồi thông báo cho hàng Phật tử bổn Sok (chúng ta gọi là Buddha Borisath Chomnong chueng wat) biết để tiến hành ngày làm lễ Kathina.
Các thiếu nữ xếp thành hai hàng, tay cầm bình hoa lấp lánh chuẩn bị dâng len chùa
ảnh: Phật tử Việt Nam chụp tại chùa Giồng Lức (Trà Vinh)
Đối với dân tộc Khmer, các vị sư sãi luôn được hiểu là đại thể của tất cả tăng đoàn truyền thừa giáo pháp. Nên đại lễ kathina có một ý nghĩa hết sức to lớn, vừa thể hiện thiện tâm của người phật tử đối với việc hộ trì tăng đoàn, vừa tạo nên niềm vui lớn trong mùa lễ hội cho người phật tử tại gia, đồng thời đại lễ còn nhắc nhở cho tứ chúng, cả tăng sĩ và Phật tử tại gia luôn nhớ và trân trọng tấm lòng của đàn tín. Vì thế đại lễ kathina được xem là một lễ hội thiêng liêng, được tổ chức rất tôn nghiêm, long trọng.
Nghi thức Thaksin 3 vòng quanh chánh điện
Toàn cảnh nghi thức Thaksin trong lễ dâng y Kathina chùa Kompong Chrey (chùa Hang)
ảnh: Báo Trà Vinh
Sau khi ấn định ngày cụ thể, gia chủ và nhà chùa sẽ thực hiện các nghi lễ trong 2 - 3 ngày (thường là 2 ngày). Ngày thứ nhất, gia đình thỉnh chư tăng đến để tụng kinh và cầu an lành cho gia chủ và cư dân Phum Sok. Ngày thứ hai được xem là ngày hội đông vui nhất của ngày lễ Kathina. Các Phật tử bổn Sok sẽ tổ chức đưa rước Kathina quanh Sok của mình để mọi người được biết và được hưởng chung sự an lành mùa lễ, làm cho ngày lễ Kathina thực sự là một thắng duyên cho cả Phật tử và Chư tăng.
Vật phẩm dâng lên trong lễ Kathina, ngoài y cà sa (là lễ vật truyền thống quan trọng nhất), Phật tử còn dâng lên chư tăng các lễ vật cần thiết khác để tỏ lòng tri ân và bày tỏ sự chia sẻ khó khăn với đại thể tăng đoàn.
Đi kèm đám rước Kathina là đội trống Pleng Pinpeat (nhạc Ngũ Âm) đoàn Jayam, Robam và hàng trăm cây bông được trang trí bằng những sợi dây nhựa lấp lánh theo bước chân của Phật tử bổn Sok. Những thiếu nữ được chọn xếp thành hai hàng, trong tay cầm bình hoa lấp lánh đi cùng đoàn trước khi về chùa dâng lên tăng sĩ. Vì có nhiều bông trong đám rước nên người Việt đôi khi nhầm lẫn gọi lễ Kathina của người Khmer là lễ Dâng bông (đây là một sự nhầm lẫn nghiêm trọng, hi vọng mình sẽ có thời gian để phân tích về vấn đề này trong status khác).
Đại lễ kathina đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer, là dịp để tôn vinh những giá trị truyền thống Phật giáo có từ thời Đức Phật, đồng thời cũng là dịp để hàng phật tử xuất gia và tại gia tri ân công đức Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tạo tác duyên nghiệp trở thành những thắng duyên trong Phật pháp. Mỗi mùa an cư kiết hạ qua đi là người Khmer lại nhớ về đại lễ kathina như một hạnh nguyện lớn trong cuộc đời mình.
Xin tất cả con cháu Khmer hãy luôn nhớ, gìn giữ và tự hào về nền Văn hoá, truyền thống của dân tộc mình. Ngày nào con cháu Khmer còn nghĩ đến đại lễ kathina, còn kính trọng Phật Pháp và đại thể tăng đoàn thì Phật giáo Khmer sẽ còn hưng thịnh và dân tộc cũng sẽ vững bền.
Ghi chú:
Keh Asuch (đọc là ÀSếch): Tháng thứ 11 theo lịch Khmer
Keh Kadhek (đọc là Kađất): Tháng thứ 12 theo lịch Khmer
Ảnh: Nhiều nguồn
Nội dung: Khổng Seyla
Nội dung: Khổng Seyla
Do kiến thức và tài liệu tham khảo ít ỏi, các nội dung của mình viết chỉ mang tính lược khảo để các bạn tìm hiểu thêm về văn hoá của dân tộc Khmer. Mình rất mong nhận được sự góp ý bằng thiện chí của tất cả!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét