Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Chùa Phnô Ompung – Ngôi chùa Khmer có công trình kiến trúc độc đáo

Chùa Phnô Ompung, pháp danh wat Sirivansaràma Phnao Ompoung (វត្តសេរីវង្សារាមផ្នោអំពូង), còn được gọi là chùa Long Trường, được xây dựng năm 1868 trên khuôn viên rộng 25.000 m², tọa lạc tại ấp Long Trường, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Đây là một trong những ngôi chùa Khmer có nhiều công trình tuyệt đẹp với những đường nét kiến trúc Khmer đặc trưng và được xem là ngôi chùa đẹp tiêu biểu nhất xã Tân Hiệp.
Cũng như hầu hết những ngôi chùa Phật giáo Khmer khác, chùa Phnô Ompung có quần thể kiến trúc đặc trưng theo truyền thống Khmer. Ngôi chùa được xây dựng lần đầu vào năm 1868 trên một khuôn viên khá nhỏ, đến năm 1928 gia đình ông Thạch Saray và bà Thạch Thị Em đã dâng đất để mở rộng khuôn viên chùa và bằng sự góp sức góp tiền của đồng bào Khmer trong srok, khuôn viên chùa được mở rộng ra trở thành Trung tâm Văn hóa đúng nghĩa của Cộng đồng của người Khmer trong vùng. Đến nay, chùa đã trải qua 48 đời trụ trì và nhiều lần trùng tu sửa chữa. Lần đại trùng tu chánh điện gần đây là năm 2005. Trụ trì đầu tiên là Hòa thượng Thạch Kộng, Sư cả trụ trì hiện tại là Đại đức Thạch Sa Vane.

Chánh điện chùa Phnô Ompung chụp từ hướng Preah Saotr


Bên trong chánh điện

Chùa Phnô Ompung không chỉ đơn thuần là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, giáo dục của cộng đồng dân tộc Khmer tại phum sóc mà hồi thời chiến tranh, nơi đây còn là một trong những mũi nhọn cho các phong trào đấu tranh của đồng bào Khmer chống lại sự đàn áp của Đế quốc Mỹ và chính quyền VNCH. Chùa cũng là cái nôi nuôi dưỡng và sản sinh ra những chiến sĩ cách mạng kiên cường như: sư cả Kim Nên, sư cả Trương Dừa, sư cả Thạch Nhưng, sư cả Bân Suôl và nổi tiếng nhất là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thạch Ngọc Biên mà tên của người được bất tử hóa thành tên xã Ngọc Biên ngày nay... Ngôi chùa được báo Đảng tôn vinh là " Ngôi chùa Khmer giàu truyền thống cách mạng".
Với việc góp công sức, tiền của từ Phật tử trong Srok và kiều bào ở nước ngoài, chùa Phnô Ompung đang tiếp tục được tu bổ, chỉnh trang ngày càng khang trang hơn. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội vẫn được duy trì và tổ chức ngày càng vi mô hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, nhu cầu văn hóa của phật tử trong vùng. Riêng Đại đức Thạch Sa Vane, hiện là sư cả của chùa đã có nhiều đóng góp trong công tác xã hội và thiện nguyện tại địa phương được Nhà nước VN công nhận và tặng nhiều bằng khen.

Preah Saotr
Preah Saotr chụp từ hướng chánh điện
Phía trước Preah Sotr vẫn đang trong quá trình xây dựng

Mặt khác, thông qua các lễ hội hàng năm như Jol Jhnam Thmey (Năm mơi), Bun Phchum Bind hay Send Dolta (Lễ cúng ông bà), Ok Ombok (Lễ cúng trăng), Kathina (dâng y),... chùa là nơi thực hiện những lễ nghi tôn giáo, cầu cúng tâm linh, đã góp phần hiệu quả vào việc đẩy mạnh ảnh hưởng của Phật giáo vào đời sống văn hóa tinh thần, nếp nghĩ, lối sống của người dân Khmer, là nơi tập trung, hội họp giúp mọi người gần nhau hơn, cùng nhau gìn giữ truyền thống văn hóa của dân tộc và Phật giáo Khmer.
Hiện nay, chùa Phnô Ompung thu hút rất nhiều du khách thập phương đến đây vì sự nổi tiếng của bức tượng Phật nằm rất dài và rất cao tại ngôi chùa này, một điều nữa là chùa đang được Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Trà Vinh tiến hành sưu tầm tư liệu lập hồ sơ khoa học di tích trình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh xét xếp hạng di tích cấp tỉnh trong thời gian tới.


Nếu các bạn có đến Tân Hiệp thì đừng quên ghé tham quan ngôi chùa Phnô Ompung nhé, để tận mắt nhìn bức tượng Phật nằm dài hơn 30m và cao hơn 20m, đặc biệt là đến vào các dịp lễ hội cổ truyền của dân tộc Khmer, chắc chắn sẽ kô làm các bạn thất vọng.
Bài và ảnh: Khổng Seyla

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Sinn Sisamouth - một nghệ sĩ thiên tài

Sinn Sisamouth (ស៊ីន ស៊ីសាមុត), sinh ngày 23 tháng tám năm 1932 - mất ngày 18 tháng 6 năm 1976), là một ca sĩ Khmer nổi tiếng nhất và được yêu thích nhất mọi thời đại và cũng là nhạc sĩ lớn nhất của Tân nhạc Khmer trước 1975 (ចម្រៀងសម័យទំនើប) với nhiều tác phẩm rất phổ biến. Theo ước đoán, trong suốt cuộc đời của mình, ông đã sáng tác đến "vài ngàn ca khúc", phần lớn là tình ca và dân tộc ca. Tuy nhiên số ca khúc của ông được biết đến rộng rãi là khoảng 1200 ca khúc (cả lời và nhạc). Nhiều ca khúc của ông có thông điệp chống chế độ quân chủ và có tính chất phản chiến hay tuyên truyền cho chủ nghĩa tự do. Nhạc của Sinn Sisamouth được nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng thành công hơn cả vẫn là chính bản thân ông.
Âm nhạc của ông là sự pha trộn các yếu tố của nhạc Khmer truyền thống với các âm thanh, nhịp điệu của phương Tây.
Ngoài là một ca sĩ – nhạc sĩ lừng danh của CPC, ông còn được xem là một nhà thơ, một bác sĩ thuộc bệnh viện Preah Ketmealea (មន្ទីរពេទ្យព្រះកេតុមាលា).
Sisamouth đã qua đời trong cuộc thảm sát giới trí thức do Khmer Đỏ thực hiện vào ngày 18 tháng 6 năm 1976.
Tuổi thơ lên cùng sự đam mê âm nhạc:
Sinn Sisamouth sinh ra tại tỉnh Stung Treng (ខេត្តស្ទឹងត្រែង), gia phụ là ông Sinn Leang (ស៊ីនលាង) và gia mẫu là bà Seb Bunlei (ស៊ីនប៊ុនលឿ) vốn là một người phụ nữ mang hai dòng máu Hoa - Lào.
Ông là con út trong bốn anh chị em. Cha ông là một cai ngục ở tỉnh Battambang (ខេត្តបាត់ដំបង) và sau đó trở thành một chiến sĩ cách mạng chống thực dân Pháp (កម្ពុជាក្រោម អាណានិគម បារាំង). Cha ông qua đời vì bệnh tật, và mẹ ông cũng tái hôn vài năm sau đó.
Năm 5 tuổi, Sisamouth theo học một trường Tiểu học Thị xã Stung Treng (សាលាបឋមសិក្សាទីរួមខេត្តស្ទឹងត្រែង). Cậu bé Sinn Sisamouth vốn thông minh và đam mê âm nhạc từ nhỏ, ở độ 6 tuổi, Sisamouth đã chơi được các nhạc cụ guitar, đàn cò, đàn chapi… và thường được “mời” biểu diễn trong các dịp văn nghệ hay lễ hội tại trường. Ông cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến Phật giáo. Bóng đá và thả diều cũng là niềm đam mê thời tuổi thơ của ông.
Khoảng năm 1951, ông hoàn thành chương trình phổ thông trung học, sau đó theo học ngành y ở Phnom Penh, trong suốt thời gian theo học tại trường Đại học Y PhnomPenh, ông vẫn theo đuổi đam mê âm nhạc của mình, dùng những khoảng thời gian rãnh rỗi để đi ca hát và viết nhạc. Cũng như thời tiểu học, ông trở nên nổi tiếng được biết đến trong trường học, và bắt đầu được mời đi hát. Cũng trong thời điểm này ông thành lập ban nhạc Preah Chand Rasmei (ព្រះច័ន្ទរស្មី) gồm 9 thành viên. Ban nhạc của ông nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của công chúng thủ đô. Năm 1953, Đài phát thanh Quốc gia Campuchia mời ông đến tham gia buổi hòa nhạc cùng với ban nhạc Reachasey (រាជសីហ៍). Và kể từ đó ông trở thành ca sĩ chính thức cho Đài phát thanh Quốc gia Campuchia.
Tuy đã trở thành một người nổi tiếng, nhưng theo nguyện vọng của gia đình, ông vẫn tiếp tục công việc học hành đến khi tốt nghiệp ngành y và được nhận vào làm việc tại bệnh viện Preah Ketomealea.
Sự nghiệp âm nhạc:
Ông kết hôn với người em họ của mình, là Keo Thorng Gnut, theo sự sắp đặt của gia đình từ trước. Họ có với nhau bốn đứa con, nhưng lòng đam mê âm nhạc của ông đã làm phai nhạt cuộc sống riêng tư của vợ chồng.
Ngay từ đầu những năm 1950, ông trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp và được sự bảo trợ của Nữ hoàng Nearyrath. Ông được chọn vào Vong Phleng Preah Reach Troap (វង់ភ្លេងព្រះរាជទ្រ័ព - Quần nhạc cổ điển Hoàng gia), nơi mà ông được cùng với Sos Matt biểu diễn tại gia đình hoàng gia và các nghi lễ cấp nhà nước. Một số bài hát ông viết sau đó mang những giai điệu u buồn không thể nhầm lẫn với âm nhạc truyền thống Khmer, và các nhạc sĩ cùng thời với ông.
Cũng vào giữa những năm 1950, một bản ballad lãng mạn "violon Sneha", đã giúp Sinn Sisamouth thành ngôi sao. Bản tình ca lãng mạn này vẫn còn sức nóng cho đến tận ngày nay, và được rất nhiều nghệ sĩ hiện đại cover lại, bao gồm Song Seng Horn (người đến từ Rhode Island), Mol Kamach (một nghệ sĩ guitar cùng thời với Sisamouth, đã thoát khỏi sự cai trị của Khmer Đỏ và hiện đang sống ở Pháp), Nay Sieng (một ca sĩ Khmer sống tại Pháp), và nữ ca sĩ Hum Sivonn (một nữ ca sĩ với giọng hát ngọt ngào đặc trưng của thủ đô Phnom Penh).
Hầu hết các băng ghi âm Sisamouth đã không còn nhiều do sự biến động xã hội. Một trong những bài hit nổi tiếng thời đó là "Srey sros Khmeng", lại nổi lên từ quên lãng vào năm 2002 bởi ca sĩ Soung Chantha. Những bài hit khác cùng kỳ bao gồm "Anussavry Phnom Kravanh", "(Chett Srey doch) Chong Srol", "Thngay Dob Pee Thnou", "Thngay Muoy Kakkda", "Teuk Keb", "Stung Pursat", và "Prek Eng Oss Sangkhim" vẫn còn sức ảnh hưởng nhất định của nó.
Khoảng năm 1963, Sisamouth bắt đầu thu âm album "Champa Batdambang" và nhận được sự ca ngợi ngay lập tức trên khắp đất nước. Âm nhạc của ông thời kỳ đó, luôn đứng về phía con người, yêu thương trân trọng cuộc sống hiện tại và những gì mình đang có. Đó là điều mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được nhưng không phải ai cũng viết được. Người ta gọi Sinn Sisamouth là "phù thủy âm nhạc" vì bất cứ những điều gì đi qua tâm hồn nhạy cảm của ông cũng trở thành lời ca, bao gồm những niềm vui, nỗi đau và sự lãng mạn, ông viết như đem tất cả tâm hồn, ước mơ của mình để gửi gắm vào từng lời nhạc, và chính nhờ điều đó đã làm cho ông trở thành một người có sức ảnh hưởng lớn. Tuy vậy, sự nổi tiếng của Sinn Sisamouth cũng kô làm lu mờ các nghệ sĩ khác, chẳng hạn các ca sĩ thuộc Đài phát thanh quốc gia như Eum Song Seurm và Huoy Meas. Mà tiêu biểu nhất là ca sĩ Meas Hok Seng, một cựu sinh viên của Đại học Nghệ thuật Phnom Penh (សាលារាជ្នាភ្នុំពេញ - Sala Rachna Phnom Penh) cũng đạt được sự nổi tiếng không kém vào năm 1966 với "Lolok Nhi Chmaul".
Trong những năm cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, Sisamouth hát những bài hát nhạc nền cho một số bộ phim nổi tiếng, chẳng hạn như Orn Euy Srey Orn (អនអើយស្រីអន), Tep Sodachan, Thavory Meas Bong, Tou ChhoChhouk, Neavea Chivit... Trong sự nghiệp lâu dài của mình, Sinn Sisamouth ghi lại nhiều bài song ca với các nữ ca sĩ, và rất thành công mà ngày nay nó được chuyển sang CD và phát tán rộng rãi trong cộng đồng người Khmer khắp thế giới, giọng hát của ông cũng được bất tử hóa trên nhạc nền của phin City of Ghosts.
Tuy nhiên, theo ghi chép của nhà thơ trữ tình Voy Ho, thì trong những năm 1970 Sinn Sisamouth đã chuyển một số bài hát tiếng Thái sang tiết mục của mình nhưng không nhận được sự ủng hộ từ công chúng.
Hình cắt từ tờ bướm giới thiệu album mới của ông
Từ năm 1972 đến 1973, nhà xuất bản âm nhạc Kruorch Bunlyhe ban hành Bộ sưu tập các bản tình ca, trong đó có 500 ca khúc hay do Sinn Sisamouth sáng tác. Người ta ước tính rằng ông đã viết "vài ngàn" bài hát, vì "mỗi ngày đều có ít nhất một bài hát mới ra đời", con trai ông Sinn Chaya khẳng định.
Cùng với tác phẩm gốc do chính tay mình sáng tác, Sisamouth cũng giới thiệu nhiều giai điệu pop phương Tây đến với người Khmer. Ví dụ như The House of the Rising Sun, Black Magic Woman, Sugar Sugar và Quando My Love...
Tham gia vận động chính trị và bị Khmer Đỏ sát hại:
Ngày 18 tháng ba năm 1970, chính phủ mới của thủ tướng Lon Nol lật đổ chính phủ Hoàng thân Norodom Sihanouk, bại bỏ thể chế quân chủ thành lập nhà nước mới theo thể chế dân chủ của Hoa Kỳ và đổi tên nước Campuchia thành nước "Khmer Cộng Hòa", Sisamouth bắt đầu hát những bài hát tuyên truyền hỗ trợ cho chính phủ Khmer Cộng Hòa còn non trẻ. Một trong những bài hát đã trở thành một cổ điển lâu dài là "Mae Owy Ao Yoann", kể về câu chuyện của một người mẹ ban một câu thần chú ma thuật cho con trai của mình là một người lính lên đường ra chiến trận. Đề cập đến hoạt động chuyển quân cộng sản trên lãnh thổ Campuchia trong thời kỳ đó, một câu trong bài hát nói rằng nhà vua bị lật đổ đã bán hết đất Campuchia cho các dân tộc láng giềng. Những chỉ trích gay gắt lên hoàng tộc là trước đây chưa từng có tiền lệ, vì ông từng là một người được bảo trợ bởi Nữ hoàng Kossomak Nearyrath, là mẫu thân của Hoàng tử Sihanouk khi đó.
Khmer Đỏ tiếp quản thủ đô Phnom Penh vào ngày 17 Tháng 4 năm 1975, ông cùng hàng triệu cư dân khác bị lùa khỏi Thủ đô Phnom Penh.
Chưa có một công bố chính thức nào về tình tiết về cái chết của ông, nhưng lý do được cho là ông có quan hệ với chính phủ cũ, là một nhân tài đã được giáo dục cao, và là một nghệ sĩ - những thứ mà Pol Pot cho rằng "nguy hiểm cho chế độ" và luôn tìm cách tận diệt. Một câu chuyện do công chúng kể lại, là trước khi bị xử tử, Sinn Sisamouth bị cưỡng bức phải tự đào huyệt cho chính mình, và bắt phải hát bài "quốc tế ca" của Nga Sô Viết (bài ca mà Khmer Đỏ xem như quốc ca thứ hai của họ), sau khi hoàn thành thì ông bị đập chết.
Hậu duệ và di sản:
Bởi vì sự ảnh hưởng của ông về nền âm nhạc Khmer là quá lớn như vậy, tên tuổi và một số di sản vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay ở Campuchia và cộng đồng người Khmer trên thế giới.
Người con trai duy nhất của ông sống sót khỏi nạn diệt chủng Khmer Đỏ, là Sinn Chan Chaya, trở thành một ca sĩ cho các Đài phát thanh trung ương Campuchia, nhưng như bản thân anh luôn thừa nhận anh không thể so được với một phần nhỏ của cha mình.
Mặc dù hầu hết các bản ghi âm studio và những tác phẩm do ông sáng tác được cho là đã bị phá hủy bởi Khmer Đỏ, những tác phẩm còn lưu truyền đến hôm nay chỉ còn là con số vài trăm nhưng nó đã sống mãi trong các bản ghi âm được tạo ra từ băng cassette và đĩa than mà sau đó đã được chuyển vào CD, và thường được nghe trên đài phát thanh Campuchia.
Nghệ sĩ Sinn Chan Chaya luôn nhận mình không thể so được với một phần nhỏ của cha.
Khó có lời nào diễn tả hết hoặc đầy đủ về ông và âm nhạc của ông. Sinn Sisamouth viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc tự nó trào ra và thấm vào lòng người như trận mưa nhuần. Với những lời lẽ, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ cùng một kết cấu, biến tấu đặc biệt, nhạc của ông đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở cộng đồng người Khmer, mà ở âm nhạc Thái và âm nhạc điện ảnh Pháp thời đó.
Sinn Sisamouth được ví như một tài năng lớn của nền âm nhạc Khmer cận đại. Nhạc của ông mang đầy những thứ triết lý bật ra từ những trải nghiệm đời thường, rất bình dị mà bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận được. Thêm một điều đặc biệt là nhạc của ông rất dễ hát và gần như ai cũng có thể hát được, số lượng ca sĩ thành công với nhạc của ông cũng khá nhiều nên nó sẽ mãi mãi có sức ảnh hưởng to lớn đối với bao thế hệ người nghe sau này.
Khổng Seyla tổng hợp và lược dịch từ Wikipedia Khmer và các trang mạng Campuchia

Bệnh viện Đa Khoa Minh Tâm (Minh Tam Hospital)

Bệnh viện đa khoa Minh Tâm tọa lạc tại số 36 Nguyễn Đáng, P.9, TP Trà Vinh . Đây là một bệnh viện ngoài công lập nổi tiếng tại Trà Vinh được...